(CMO) Hòn cách đất liền không xa, nơi diễn ra Kế hoạch phản gián CM12 nức tiếng, cảnh thiên nhiên ngoạn mục với đỉnh hòn mấp mô đá nép bên biển xanh sóng rì rào. Vào độ năm 2005, khi ấy hầu như người Cà Mau nào cũng muốn tới Đá Bạc, vì lần đầu tiên danh thắng này trở thành điểm đến du lịch của tỉnh, tới nỗi Tết năm ấy, cây cầu bắc ra hòn bị sập vì quá tải du khách.
Đầu năm 2017, chúng tôi về thăm Đá Bạc và ngẩn ngơ hỏi: "Đâu rồi Đá Bạc?". Cả chính quyền địa phương xã Khánh Bình Tây, cả những tiểu thương buôn bán và doanh nghiệp khai thác du lịch đều ngao ngán: Năm nay khách du lịch đến ít quá trời. Chợt nhớ đến cuốn sách “Cà Mau xưa” của tác giả Huỳnh Minh - Nghê Văn Lương, trong đó có đoạn người viết say trời, say biển, say con cá nâu Đá Bạc đến “lăn quay”, mới thấy tiếc làm sao…
Nằm chờ.... quy hoạch
Khi giao về cho Bộ Công an, mà trực tiếp là Công an tỉnh Cà Mau quản lý, Đá Bạc hợp đồng với Công ty Kiên Giang Phát khai thác du lịch. Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời Nguyễn Cảnh Hạnh cho biết: “Hầu như mấy năm nay Đá Bạc không có thay đổi gì, bởi công ty thuê theo hợp đồng ngắn hạn, người ta cũng không mặn mà”.
Các em thiếu nhi dã ngoại tại Hòn Đá Bạc trong chương trình “Em là chiến sĩ tí hon” năm 2016. Ảnh: Thanh Quang. |
Theo thông tin phóng viên có được, mỗi năm, khu Đá Bạc cho thuê lại với giá 1 tỷ đồng. Doanh nghiệp được thu vé cổng, các dịch vụ kèm theo. Cô Năm Hường, người của doanh nghiệp, chia sẻ: “Qua nhiều chủ, khu này cũng xuống cấp rồi, tụi tui thấy hư tới đâu, sửa tới đó”.
Từ góc độ địa phương, ông Hạnh phân tích: “Cái khó thấy rõ của Đá Bạc là cơ chế. Đợt rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử có về làm việc, phía doanh nghiệp khai thác cũng cam kết đầu tư với điều kiện cho thuê lâu dài. Thông tin khác từ Bộ Công an là cũng có chủ trương đầu tư xây dựng lại khu Đá Bạc này”.
Khách đến từ 5 năm trước giờ về Đá Bạc hầu như không thấy thay đổi gì, nếu không nói như lời của ông Hạnh là “đìu hiu hơn, xuống cấp hơn”. Tổng diện tích hiện tại của khu khoảng hơn 6 ha, trong khi đó dự án mở rộng gồm các khu dịch vụ lên tới hơn 18 ha, tất cả đều đang nằm… chờ.
Đến đây vào những ngày giữa tuần, không khí buôn bán của các tiểu thương rất trầm lắng. Chị Huỳnh Ái Liên, buôn bán ngay trước cổng đã 5 năm, rầu rầu: “Hổng thấy Tết năm nào vắng khách như vừa rồi, ngày cuối tuần còn đỡ, chớ mấy ngày này buôn bán buồn... ngủ lắm”.
Thời điểm tháng sau Tết được coi là “vụ chính” của nghề du lịch mà tình trạng còn ảm đạm như vậy, còn mùa mưa thì như lời chị Liên: “Có buôn bán gì đâu”. Ước mong giản dị của bà con là có khách để “kiếm đồng ra đồng vô”, còn nói về tương lai, ai cũng ái ngại: “Biết sao giờ, tới đâu hay tới đó, chớ giờ khách càng ngày càng giảm”.
Cái khó của Đá Bạc kể ra nghe mà… khó quá: sản phẩm du lịch nghèo nàn, quy hoạch tạm bợ, đầu tư tạm bợ; các huyết mạch giao thông nối về Đá Bạc giờ còn nhiều chỗ “thắt cổ chai”…
Các tiểu thương mé bên Đá Bạc than thở: “Hổng biết chừng nào được như bên Đất Mũi. Người ta có đường, có mô hình du lịch mới, có sản phẩm đàng hoàng”. Ước mơ về khu cáp treo, bãi tắm có lẽ thật xa vời với những người nông dân làm du lịch ở Đá Bạc.
"Chim bay phải đủ 2 cánh"
Cái thế du lịch của Cà Mau đã định hình rõ ràng như con chim bằng tung cánh ra biển: Một bên cánh là Mũi Cà Mau với hệ sinh thái ngập mặn; một bên cánh là tuyến U Minh Hạ, Đá Bạc với hệ sinh thái ngọt lợ. Đến thời điểm này, Đất Mũi đã có nền tảng để bứt tốc về du lịch (mặc dù còn nhiều khó khăn), còn tuyến Đá Bạc vẫn “loay hoay” và mai một.
Nếu không có những giải pháp kịp thời, du lịch Đá Bạc sẽ dần mai một, khi ấy có muốn kêu gọi và thu hút đầu tư thì cũng vô cùng khó. |
Từ An Giang về Đá Bạc, chị Nguyễn Hồng Thắm tâm sự: “Tôi tự tìm hiểu trên mạng rồi về Đá Bạc, cảnh rất đẹp nhưng dịch vụ còn ít quá”. An Giang là xứ du lịch, khách An Giang có lẽ hiểu hơn ai hết những gì mà một khu du lịch cần phải có. Chị Thắm cho rằng: “Nếu có dịch vụ nhiều hơn, khách đến cũng có nhiều kỷ niệm và ấn tượng, sau đó sẽ muốn trở lại”.
Cô Năm Hường thật tình: “Ở đây đi lòng vòng rồi ăn uống hà. Có chăng người ta câu cá”. Các công trình chính của khu Đá Bạc thường “cửa đóng then cài”, hiếm khi có người túc trực để thuyết minh, dẫn giải cho khách du lịch xa gần. Người chưa biết muốn đến, nhưng với tình hình hiện tại, chắc gì người ta muốn đến thêm một lần nữa.
Chúng tôi chợt nhớ đến Khai Long cách đây mấy năm, cũng ngổn ngang và hoang vắng, nhưng giờ đã “đỏ da, thắm thịt”, lòng lại thầm mong Đá Bạc cũng có được may mắn như vậy.
Không cớ gì một tuyến du lịch trọng điểm, các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh nhiều lần khảo sát, bàn bạc lại có thể dần dà mai một, xuống cấp như vậy. Chỉ vài năm trở lại đây, lượng khách sụt giảm của Đá Bạc đã có thể “nghe thấy, ngó thấy”.
Ông Hạnh thông tin: “Khách chủ yếu là kết hợp công việc rồi xuống cho biết, chớ dân sành du lịch cũng rất khó thu hút”. Đá Bạc được gọi là khu du lịch đâu phải ngày một, ngày hai, nhưng tới giờ sao không có nổi một mặt hàng, một diện mạo đàng hoàng để làm du lịch. Hợp đồng với doanh nghiệp theo năm, khai thác theo kiểu “ăn xổi” và thiếu đầu tư, tính toán dài hạn, vậy rồi Đá Bạc sẽ về đâu (!?).
Buổi xế trưa, những dãy hàng quán trống trơn, chị Liên lại mơ ước: “Phải chi được như nơi khác, người ta buôn bán rần rần”. Đâu đó có giọng của một chị ở tiệm ăn kế bên: “Chỗ này lèng xèng quá. Người ta nói mai mốt du lịch Đá Bạc sẽ phát triển mà dân ở đây chờ hoài hổng thấy…”.
Chúng tôi lòng vòng quanh hòn trong một ngày tuyệt đẹp, mà lòng cứ hoài suy nghĩ: “Đá Bạc… về đâu?”
Phạm Nguyên