Ngày 2.9, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) tổ chức lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2024. Đây là hoạt động chính kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9 ở Quảng Bình.
Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đến dự. Hàng vạn người dân và du khách thập phương đã đến cổ vũ đã tạo nên ngày hội độc đáo mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đối với người dân Lệ Thủy, Tết Ðộc lập 2.9 với lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống chính là dịp gắn kết tính cộng đồng, làng xã, hội tụ người dân trong một không gian văn hóa mang đậm bản sắc vùng sông nước và giàu tinh thần thượng võ.
Có lẽ, hiếm nơi nào mừng ngày Độc lập - Quốc khánh 2.9 lớn như ở Lệ Thủy. Suốt car tháng nay, không khí nô nức, rộn ràng, lòng người phấn chấn; đâu đâu cũng cờ hoa rợp trời, tưng bừng sắc màu lễ hội.
Người dân Lệ Thủy có câu: “Dù ai đi tây về đông/ Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.
Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2024 có sự tham gia của 24 thuyền bơi nam và 9 thuyền đua nữ với trên 1.300 vận động viên được tuyển chọn từ khắp các làng quê trên địa bàn huyện.
Đối với thuyền bơi nam, được chia thành 2 hạng. Trong đó, hạng A có 12 thuyền bơi và hạng B có 12 thuyền bơi. Các thuyền bơi nam tranh tài ở cự ly 24km, các thuyền đua nữ tranh tài cự ly 18km.
Khi bước vào cuộc đua, các thuyền ra sức tranh tài. Dưới sông, các bà, các mẹ, anh chị em xắn quần, lội ra mép sông dùng nón lá, xô chậu... múc nước tạt theo thuyền để động viên trai bơi, gái đua.
Trên các cây cầu bắc qua sông, người như nêm. Hai bên bờ sông tiếng hò reo rộn ràng, hào hứng. Vận động viên như được tiếp thêm sức mạnh, rướn người, vục mái dầm, mái chèo sâu hơn, mạnh hơn kịp đưa thuyền về đích nhanh nhất.
Mặc dù nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tổ chức đua thuyền nhưng hấp dẫn nhất, rộn ràng nhất vẫn là Lệ Thủy. Bởi dòng sông Kiến Giang càng về cuối nguồn càng hẹp do vậy không gian lễ hội không lớn, từ đó thu hút sự cổ vũ của hàng vạn người dân.
Không chỉ ở trung tâm huyện là nơi chính diễn ra lễ hội mà suốt dọc hơn 24 km đường đua trên dòng Kiến Giang, thuyền bơi, thuyền đua đều nhận được sự cổ vũ vô tư, rất nhiệt tình của người dân hai bên bờ sông.
Sau hơn 3 giờ tranh đua sôi nổi, quyết liệt, dậy sóng, kết quả chung cuộc, Ban Tổ chức trao giải nhất toàn đoàn cho đơn vị thôn An Xá (xã Lộc Thủy), giải nhì thôn Phú Thọ (xã An Thủy) và giải ba thôn Lộc An (xã An Thủy).
Đối với thuyền bơi nam hạng A, thuyền bơi thôn Quy Hậu (xã Liên Thủy) đoạt giải nhất, thuyền bơi thôn Tiền Thiệp (xã Xuân Thủy) giải nhì, thuyền bơi xã Phú Thủy giải ba.
Đối với thuyền bơi nam hạng B, giải nhất thuộc về thôn Thạch Bàn (xã An Thủy), giải nhì thôn Lộc Thượng (xã An Thủy), giải ba thôn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy).
Kết quả ở phần tranh tài thuyền đua nữ, giải nhất thuộc về thôn An Xá (xã Lộc Thủy), giải nhì thôn Phú Thọ (xã An Thủy) và giải ba thôn Xuân Hồi (xã Liên Thủy).
Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là hoạt động văn hóa nỗi bật, điểm nhấn trong hành trình di sản văn hóa của huyện Lệ Thủy.
Thông qua lễ hội để cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, mùa màng bội thu, nhân dân được bình yên, ấm no, hạnh phúc; đồng thời để tôn vinh, bảo tồn phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc.
Lễ hội cũng là hoạt động tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân huyện Lệ Thủy phấn đấu thi đua lập nhiều thành tích xây dựng quê hương ngày càng phát triển.