Sức hút môn cờ tướng
Đam mê cờ tướng,ơiregraventriacutedưỡkết quả u19 slovakia các anh Hoàng Văn Tuấn (huyện Bù Đăng) và Vũ Quốc Khanh (huyện Phú Riềng) thường gặp nhau ở thành phố Đồng Xoài và có những trận giao lưu cân não. Trong rất nhiều nội dung của cờ tướng, họ thường xuyên đấu với nhau ở nội dung cờ chậm. Ván cờ diễn ra trong không khí khá im lặng, 2 kỳ thủ luôn cẩn thận trong từng nước đi của mình. Chốt hạ được thế cờ của đối thủ, đó chính là niềm vui của người chơi cờ tướng như anh Tuấn và anh Khanh. “Trên bàn cờ nhìn chỉ ít quân vậy thôi nhưng nó có vô số nước đi cũng như tình huống cần giải quyết, vì “sai một ly, có thể đi một dặm”. Nếu thắng thì vui, còn thua mình lại có thêm kinh nghiệm, suy nghĩ để tìm phương án cho những ván tiếp theo” - anh Khanh chia sẻ.
Ở mỗi ván cờ, người chơi đấu với nhau không chỉ về chiến thuật mà còn là sự đấu trí quyết liệt, năng lực tính toán và quan trọng nhất là sự đáp trả của đối phương sau mỗi nước cờ. Cờ tướng được công nhận là môn thể thao bởi những quy định trong luật, lệ khi thi đấu và sự phân định kết quả một cách rõ ràng.
Khi cha con cùng chơi cờ, đó không chỉ là giải trí mà còn là cách để người lớn quan sát và kịp thời uốn nắn tính cách cho con mình
Một trong những yếu tố giúp cờ tướng trở nên phổ biến bởi môn thể thao này không đòi hỏi cầu kỳ về sân bãi, dụng cụ, người chơi chỉ cần chung niềm đam mê là có thể rèn luyện, thi đấu một cách say sưa bằng những màn cân não kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Dễ bắt gặp nhất là những bàn cờ diễn ra ở quán cà phê. Những cặp “kỳ phùng địch thủ” có thể đối diện nhau trong im lặng hoặc phấn khởi, hào hứng với những ván cờ gay cấn đến nghẹt thở. Hiểu theo nghĩa cơ bản nhất thì câu nói “kỳ phùng địch thủ” tức là gặp đối thủ ngang tầm mà không có khoảng cách quen hay lạ, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, địa vị xã hội… Quan trọng nhất vẫn là những nước cờ hay, thế cờ khó của đối thủ.
Lớp học cờ tướng ngày cuối tuần
Câu lạc bộ (CLB) cờ tướng Lâm Kiến An ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài đã trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những người đam mê cờ tướng tại Đồng Xoài nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Sân chơi này ngoài là nơi để các “kỳ phùng địch thủ” gặp gỡ, giao lưu thì còn có một lớp dạy cờ tướng dành cho các bạn trẻ, đặc biệt trong độ tuổi từ 7-8 trở lên. Sau những giờ học trên lớp, vào thứ Bảy, Chủ nhật, các em nhỏ lại đến đây để học chơi cờ tướng, tất cả đều miễn phí.
Ông Trần Đình Quốc Lâm, Chủ nhiệm CLB cờ tướng Lâm Kiến An cho biết: Thông qua lớp học đánh cờ, tôi muốn tạo ra sân chơi bổ ích sau những giờ học trên lớp, để các em hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Đồng thời, qua đó cũng tìm kiếm và đào tạo những em có tiềm năng để bồi dưỡng, đưa vào đội tuyển cờ tướng tỉnh nhà.
Câu lạc bộ cờ tướng Lâm Kiến An mở ra với mục đích nuôi dưỡng đam mê chơi cờ tướng, giúp các em nhỏ tiếp cận sân chơi bổ ích
Cờ tướng xuất hiện trong cuộc sống hiện đại một cách nhẹ nhàng. Ở các không gian công cộng, người chơi có thể là người cao tuổi, trung niên hoặc thanh thiếu niên có đam mê
Đam mê cờ tướng nên vào những ngày cuối tuần, em Lê Minh Thiện (8 tuổi) được người nhà chở đến CLB để chơi cờ. Những quân cờ nhớ vanh vách, các chiến thuật cũng được em nghiên cứu rất kỹ trước khi đánh. Minh Thiện chia sẻ: Con luôn lắng nghe thật kỹ những gì thầy giảng, nhưng khi chơi mình cũng phải suy nghĩ nhiều nữa. Khi thắng bạn ván cờ, con rất vui. Thấy bạn chơi giỏi nên con cũng phải học hỏi thêm.
Cờ tướng với các cụ cao niên, trung niên đã là một thú chơi lâu ngày, nhưng với lớp trẻ, bộ môn thể thao này cũng dần chiếm được cảm tình và ưu thế. Lúc này “kỳ phùng địch thủ” có thể là bạn bè, là ông và cháu hoặc cha và con. “Khi hai cha con cùng đánh cờ thì có rất nhiều cái lợi. Trước hết là vui, tiếp đến là qua mỗi ván cờ mình sẽ hiểu thêm tính cách của con để kịp thời uốn nắn cho phù hợp” - ông Trần Đình Quốc Lâm chia sẻ.
Người xưa vẫn thường đề cao “bát nhã”, tức là 8 thú vui thanh nhã, gồm: “cầm, kỳ, thư, họa, thi, tửu, hoa, trà”. Trong đó, chơi cờ được xếp thứ hai. Nói như vậy để thấy, từ xưa đến nay, chơi cờ, một trò chơi rèn trí, dưỡng tâm đã trở thành món ăn tinh thần của nhiều thế hệ. Ở Bình Phước, hằng năm ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức nhiều hội thi cờ tướng từng lứa tuổi khác nhau, quy tụ rất nhiều người đam mê, yêu thích cùng tham gia. Mỗi khi ở đâu có người chơi cờ tướng, gần như thu hút rất nhiều khán giả vây quanh và cái hay chính là mọi người sẽ gần như là quân sư, cùng nghiên cứu đường đi nước bước cho người chơi. Mỗi ván cờ kết thúc, họ lại cùng nhau bàn luận về những cái hay, cái dở của nước cờ vừa xong. Giữa bộn bề cuộc sống, đôi khi chúng ta chỉ cần những thú vui đơn giản như thế để cuộc sống thêm thú vị.