Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics giúp giảm chi phí | |
Ngành Hải quan đã có những bước cải cách quan trọng góp phần tạo thuận lợi thương mại |
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: C.L |
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, Cục Hải quan TPHCM đã phối hợp cùng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây dựng đề án tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia sẽ có cổng làm thủ tục riêng để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Đến nay đã có 134.000 tờ khai và 146.000 container được tạo thuận lợi thông qua đề án này.
Theo chủ trương chung của ngành, Cục Hải quan TPHCM đang đề nghị 200 doanh nghiệp trong đề án này chuyển sang tham gia chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Trong chương trình này, các doanh nghiệp cũng sẽ được ưu tiên tạo thuận lợi và giảm tỷ lệ kiểm tra, tạo thuận lợi cao nhất. Trong khi chương trình doanh nghiệp ưu tiên có điều kiện quá cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đáp ứng được. Còn với chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể tham gia. Hiện Tổng cục Hải quan cũng đang yêu cầu mở rộng chương trình này.
Liên quan tới việc xây dựng Nghị định về cải cách kiểm tra chuyên ngành, ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ làm việc với từng bộ ngành về các vấn đề vướng mắc để tháo gỡ trước khi thông qua. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng như các hiệp hội doanh nghiệp cần có các tổ chuyên gia chuyên ngành tham gia vào các buổi làm việc này để tạo ra tiếng nói chung.
Ông Nghiệp cũng nhấn mạnh, nếu Nghị định này được thông qua sẽ tạo ra cách mạng lớn về cải cách hành chính. Bởi trước đây Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm, Nghị định 74/2018/NĐ-CP về kiểm tra chất lượng cũng đưa ra vấn đề về quản lý rủi ro cho kiểm tra chuyên ngành, nhưng không áp dụng được do không có cơ quan đầu mối.
Nếu nghị định này được thông qua, cơ quan Hải quan sẽ là đầu mối, việc kiểm tra chuyên ngành sẽ gắn với chương trình quản lý rủi ro của Hải quan. Khi đó, sẽ không còn tình trạng luồng xanh nhưng vẫn phải kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, các mặt hàng đã kiểm tra và đạt chất lượng nhập khẩu thì các doanh nghiệp đều sẽ được nhập khẩu, không còn tình trạng tất cả lô hàng đều phải kiểm tra. Ngoài ra, sẽ chấp nhận kết quả kiểm tra của các nước. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được tạo thuận lợi tối đa nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý. Do đó, chi phí logistics sẽ giảm rất nhiều.
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai phát biểu. Ảnh: C.L |
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai nêu quan điểm rằng hoạt động logistics là chuỗi cung ứng hàng hóa rất lớn, trong đó Hải quan chỉ tham gia một phần rất nhỏ là công đoạn xuất nhập khẩu, làm thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, hàng quá cảnh, chuyển khẩu… Trong những năm qua, thủ tục hải quan đã được cải cách rất mạnh, từ chỗ làm thủ tục thủ công đến nay toàn ngành đều đã thông quan điện tử rất nhanh chóng. Các tờ khai luồng xanh chỉ mất 3 giây là được thông quan, trong khi tờ khai luồng đỏ chỉ chiếm tỷ lệ 4-5%.
Cục Hải quan Đồng Nai cũng luôn có những giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục nói chung và hoạt động logistics nói riêng. Những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đều được ghi nhận và giải quyết thấu đáo trên tinh thần tạo thuận lợi nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật về hải quan.
Cục Hải quan Đồng Nai có rất nhiều kênh hỗ trợ doanh nghiệp. Nổi bật là chương trình Dna-Info kết nối trực tiếp cơ quan Hải quan với doanh nghiệp. Theo ông Hùng, có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp không muốn làm sai nhưng do hiểu chưa đúng dẫn tới vi phạm. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan là giúp doanh nghiệp hiểu đúng các quy định. Các vấn đề về báo cáo quyết toán, sản xuất xuất khẩu, gia công, thuế, xuất xứ, mã số… đều được Hải quan Đồng Nai tư vấn kịp thời và được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương nêu ý kiến. Ảnh: C.L |
Còn tại Cục Hải quan Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng cho biết, với đặc thù địa bàn quản lý chủ yếu là doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian qua, Cục Hải quan Bình Dương đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trên cơ sở bám sát các kế hoạch của ngành Hải quan. Đến nay công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của cơ quan Hải quan trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã dần đi vào nề nếp, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp và hiệu quả; tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; qua đó góp phần nâng cao niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách, pháp luật thuế và công tác quản lý thuế.
Ngày 4/5/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nắm bắt chủ trương của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về triển khai kế hoạch hải quan số, hải quan thông minh đến năm 2030, Cục Hải quan Bình Dương cũng đã xây dựng dự thảo Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa đến năm 2025; mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển Cục Hải quan Bình Dương đến năm 2025 hiện đại, cơ bản hoàn thành Hải quan số theo định hướng của ngành Hải quan, tạo nền tảng xây dựng Hải quan thông minh. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Bình Dương cũng đang triển khai mở rộng số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ để giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong 7 trung tâm logistics mà TPHCM đang kêu gọi đầu tư, Cục Hải quan TPHCM rất quan tâm đến trung tâm tại cảng Cát Lái. Dự kiến trung tâm này sẽ có diện tích lên tới 200 ha. Theo đó, ngay từ bây giờ cần bắt tay vào công tác chuẩn bị cho các vấn đề về pháp lý, quy hoạch, hạ tầng. Còn trung tâm logistics ở khu Công nghệ cao TPHCM chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao. Giá thuê đất trong khu công nghệ cao cũng rất cao nên sẽ chỉ những doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều mới có thể đầu tư, còn các doanh nghiệp khác sẽ khó. Các dự án đưa ra cần có tính liên kết và phải cho doanh nghiệp thấy được lợi ích thì mới thu hút được đầu tư. |