Hiện tại, cả nước đã ghi nhận 6 ca đậu mùa khỉ (trong đó có 3 ca nghi ngờ ở nội địa TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai). Trước diễn biến phức tạp của bệnh này, Sở Y tế vừa có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện, phòng khám công và tư nhân; trung tâm y tế các huyện, TP Cà Mau tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng và đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.
Vì bệnh đậu mùa khỉ chưa phổ biến tại Việt Nam nên nhiều người dân vẫn chưa hiểu đúng và chưa nhận định rõ về bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Ðậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người; lây qua da bị tổn thương, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Vào ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi điều trị sốt xuất huyết song song với tầm soát đậu mùa khỉ khi các bệnh nhi được đưa đến đây điều trị.
Bệnh truyền nhiễm này sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh, từ 6-13 ngày (có thể dao động từ 5-21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Giai đoạn khởi phát là từ 1-5 ngày với các triệu chứng chính sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Ở giai đoạn toàn phát, sẽ xuất hiện ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày, với phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân, miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị mù do tổn thương giác mạc, hoặc bị giảm thị lực. Thứ hai, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp. Thứ ba, người bệnh sẽ suy giảm trí nhớ. Nguy hiểm nhất là khi bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, dẫn đến nhiễm trùng huyết sẽ tử vong.
Bệnh viện Mắt - Da liễu tầm soát bệnh đậu mùa khỉ từ những bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám. Nếu phát hiện bệnh sẽ cách ly điều trị ngay.
Bác sĩ Ngô Thanh Tân, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt - Da liễu, cho biết: “Về điều trị, khi phát hiện được ca bệnh lập tức cách ly, đây là giải pháp quan trọng vì bệnh này sẽ nhầm lẫn với thuỷ đậu (trái rạ) hoặc tay - chân - miệng. Khi phát hiện bệnh, phải báo cáo cho cơ sở y tế gần nhất, để cách ly, ngăn chặn lây lan. Bên cạnh đó, khuyến cáo rửa tay, vệ sinh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Hiện nay, vắc xin thì có nhưng trên thị trường của Việt Nam chưa ghi nhận được, chưa nhập về. Năm 1980, khi đậu mùa kết thúc thì vắc xin đó không còn sản xuất nữa".
Các phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Mắt - Da liễu cũng sẵn sàng để xét nghiệm virus gây bệnh.
"Ðối với bộ phận chuyên môn Bệnh viện Mắt - Da liễu, các bác sĩ phải hết sức lưu ý những trường hợp khám bệnh ngoài da nhưng có dấu hiệu nghi ngờ là bệnh đậu mùa khỉ. Tiếp đó là phải hội chẩn ngay nhằm phát hiện kịp thời, phòng chống lây lan. Bên cạnh đó, bệnh viện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham mưu cho Sở Y tế ra văn bản chỉ đạo đến cơ sở trị bệnh hết sức quan tâm, tập trung phát hiện bệnh đậu mùa khỉ. Chúng tôi sẽ có buổi tập huấn cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, từ công lập đến ngoài công lập để hiểu rõ dấu hiệu bệnh và cách ứng phó, phòng tránh, ngăn chặn bệnh”, Bác sĩ Tân thông tin thêm.
Bác sĩ Trần Thiên Lý, Trưởng khoa Quản lý chất lượng Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Bệnh viện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế đã tham dự các lớp tập huấn phòng và điều trị bệnh. Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Trước mắt, bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và tất cả những yếu tố để tiếp cận, nếu có bệnh nhân mắc bệnh, sẽ bố trí sàng lọc, phân nguồn để ứng biến"./.