Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Với những tiến triển tích cực như vậy, dự kiến khi nào Hiệp định EVFTA có thể chính thức có hiệu lực, thưa Bộ trưởng? Điểm khác biệt của Hiệp định EVFTA so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết là khả năng đưa hiệp định có hiệu lực rất nhanh. Sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định, chỉ còn một thủ tục tiếp theo là Hội đồng châu Âu sẽ thông qua phê chuẩn Hiệp định. Về phía Việt Nam sẽ đợi đến kỳ họp tiếp theo của Quốc hội vào tháng 4-5 tới, Chủ tịch nước trên cơ sở đề nghị của Chính phủ sẽ trình ra cho Quốc hội thảo luận phê duyệt. Nếu như mọi việc thuận lợi đúng như kỳ vọng, Hiệp định được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 5 thì các thủ tục pháp lý của hai bên sẽ rất nhanh chóng, có cơ hội đưa Hiệp định có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của Hiệp định EVFTA tới XK hàng hóa của Việt Nam thời gian tới? Sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu đối với Hiệp định EVFTA vừa qua có ý nghĩa rất lớn bởi đây là thị trường với quy mô tới 18.000 tỷ USD, tiềm năng cho hàng Việt còn khá rộng mở. Đặc biệt, trong bối cảnh các mặt hàng của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may… đang gặp nhiều khó khăn về thị trường XK do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc Hiệp định EVFTA được phê chuẩn lại càng có ý nghĩa quan trọng. EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam. Cơ cấu XNK giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do vậy, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là “cú hích” rất lớn cho XK của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế NK lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng XK cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể. Đáng chú ý, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay mới chỉ hơn 42% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Một số ý kiến cho rằng, cơ hội để thúc đẩy XK hàng hóa từ Hiệp định EVFTA không nhỏ, song tận dụng tốt cơ hội này cũng không phải điều dễ dàng bởi doanh nghiệp sẽ vấp phải các "hàng rào" phi thuế quan. Quan điểm của Bộ trưởng ra sao? Việt Nam đang tiếp tục bước vào các giai đoạn hội nhập sâu rộng, sẽ tiếp tục thực thi nhiều cam kết có chiều sâu với mức độ cao hơn trước. Cùng với các cơ hội thì việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức cho DN và nền kinh tế Việt Nam như sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước NK, các quy định về phòng vệ thương mại… Việc vượt qua các "hàng rào" không đơn giản chỉ là gia tăng năng lực sản xuất mà phải thực sự tái cơ cấu hiệu quả, thực hiện cam kết có hiệu quả, nhất là những cam kết liên quan đến cải cách pháp lý cũng như các điều kiện cơ bản về môi trường phát triển bền vững, điều kiện của người lao động...
Bộ trưởng có khuyến cáo gì cho cộng đồng DN nhằm tận dụng tốt nhất Hiệp định EVFTA nói riêng và các FTA khác nói chung? Để hiện thực hóa thành công các cơ hội cũng như vượt qua được thách thức, sức ép mà các FTA mang lại thì vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. DN Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội. Song song với đó, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng, là yếu tố không thể thiếu. Chỉ khi DN đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường NK, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả thúc đẩy XK, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Xin Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình thực thi Hiệp định EVFTA? Bộ Công Thương xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là rà soát kế hoạch hành động và báo cáo Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội thông qua thì Chương trình hành động cũng được ký, ban hành. Bộ Công Thương đã chuẩn bị cùng các bộ, ngành khác rà soát, sửa đổi khung khổ luật pháp của Việt Nam cho phù hợp vì có nhiều điều khoản, nội dung trong các bộ luật và quy định luật pháp của Việt Nam cần được sửa đổi để tương thích với cam kết hội nhập, đồng thời để đảm bảo pháp lý trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ sớm tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, xây dựng cơ chế chứng nhận, kiểm dịch động thực vật giữa Việt Nam – EU. Cụ thể, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy XK. Khi càng có nhiều ưu đãi về thương mại, đầu tư thì cũng là lúc có nhiều nguy cơ thẩm lậu hàng hóa, vi phạm đầu tư, lợi dụng để gian lận xuất xứ và gian lận thương mại. Vì vậy, thời gian tới cải cách về mặt thể chế của Việt nam trong đấu tranh gian lận cần nâng cao và đặt ra trong khuôn khổ thực thi Hiệp định… Xin cảm ơn Bộ trưởng!
|