(CMO)“Phải thực sự nhận thức đúng đào tạo nghề, giải quyết việc làm là trọng trách, là nhiệm vụ chính của các cơ sở đào tạo, vì thế khi thực hiện phải phối hợp chặt và có đầy đủ trách nhiệm với nhau, trên tinh thần tiến công quyết liệt, nhằm đem đến hiệu quả công việc một cách tốt hơn”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh tại cuộc họp về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, vào sáng ngày 14/7.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động tiếp cận, kết nối.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm đã tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng 6.344 người, đạt 23% kế hoạch năm; trong đó, đào tạo sơ cấp 2.867 người và đào tạo thường xuyên 3.477 người.
Riêng về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo tại các địa phương của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt khá thấp.
Cụ thể, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau thực hiện đào tạo được 1.091/4.050 chỉ tiêu; Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau 65/250 chỉ tiêu. 2.075 là số chỉ tiêu mà Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn chưa thực hiện được tính đến thời điểm này.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã triển khai đào tạo được 681/3.895 chỉ tiêu; với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã thực hiện 3 lớp, đạt 83/457 chỉ tiêu.
Về công tác giải quyết việc làm, trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 26.188 người, đạt 65,3% kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ (trong tỉnh 7.417 người; ngoài tỉnh 18.509 người; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 262 người).
Kết quả giải quyết việc làm trong tỉnh còn thấp do các doanh nghiệp trên địa bàn đa số quy mô vừa và nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động.
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động thời gian qua đã được lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo khá quyết liệt. Nguồn kinh phí từ các chương trình MTQG phân bổ sớm đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu trong 3 chương trình MTQG vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.
Qua rà soát cho thấy đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập thấp rất khó vận động tham gia học nghề; người trong độ tuổi lao động còn ở tại địa phương còn ít và họ cũng không muốn tham gia học nghề; riêng hộ có thu nhập thấp vẫn còn chờ hướng dẫn của Trung ương.
Ngoài ra, nguồn vốn vay giải quyết việc làm chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn còn một số lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo chương trình Đề án của tỉnh mà đi theo hướng tự phát, theo bạn bè, người thân,… từ đó phát sinh thêm chi phí và tiềm ẩn rủi ro có thể xảy ra.
Kết quả giải quyết việc làm trong tỉnh còn thấp do các doanh nghiệp trên địa bàn đa số quy mô vừa và nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động.
Tình trạng cắt giảm lao động của một số doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố lớn đang diễn ra, tạo áp lực về giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau tham luận tại cuộc họp.
Cho rằng trong thời gian qua công tác phối hợp giữa các ban, ngành, các địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh: “Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một chỉ tiêu, mục tiêu khó, nhưng có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội rất to lớn. Bởi nó không chỉ tác động trực tiếp đến Chỉ số PCI của tỉnh, mà còn liên quan đến rất nhiều người, rất nhiều gia đình. Do đó, cách tổ chức thực hiện, phối hợp giữa các ban, ngành, các địa phương phải thực sự nhịp nhàng, đồng bộ”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phải tăng cường công tác truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từng bước nâng cao được nhận thức cho người dân về việc làm và giải quyết việc làm.
Các hoạt động tư vấn, tổ chức phiên giao dịch việc làm cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động tiếp cận, kết nối, đáp ứng nhu cầu của cả 2 phía cung - cầu.
Xuất phát từ thực tế nhu cầu của người lao động, ngành chức năng quản lý cũng cần phải có định hướng cụ thể, làm sao để đừng lãng phí nguồn lực trong đào tạo.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đã biểu dương 2 địa phương đạt chỉ tiêu đào tạo nghề cao là huyện Ngọc Hiển và huyện Cái Nước. Đồng thời, đối với những địa phương có chỉ tiêu đạt thấp, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần có bước sơ kết, kiểm điểm rút kinh nghiệm, học tập những địa phương đạt kết quả cao để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới./.