Hút FDI trong bối cảnh mới
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tính đến hết tháng 11/2018, cả nước có trên 27.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 337,8 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 188 tỷ USD.
Theo đánh giá, kể từ tháng 12/1987 khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ĐTNN vẫn còn nhiều vấn đề chưa được như kỳ vọng. Phát biểu tại Hội nghị Định hướng mới trong thu hút FDI thời gian tới vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc thu hút và lan tỏa công nghệ cao từ khu vực ĐTNN vào toàn bộ nền kinh tế chưa được như kỳ vọng. Hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm của các DN FDI còn thấp. Cùng với đó, liên kết giữa các DN FDI và các DN trong nước chưa chặt chẽ, chưa sâu rộng, vai trò của các DN FDI đầu tàu trong hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế.
Định hướng mới trong thu hút FDI giai đoạn tới đang dần rõ nét trong Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN đến năm 2030, đang được Bộ KH&ĐT soạn thảo. Theo đó, định hướng thu hút FDI giai đoạn tới sẽ tập trung ưu tiên thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, R&D, internet vạn vật (IoT)... công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao.
Với các ngành Việt Nam đang có lợi thế như dệt may, da giày... sẽ ưu tiên tập trung hút FDI vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh... Với các địa phương, vùng lãnh thổ, thu hút FDI phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và từng địa phương, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường chung của vùng và cả nước, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên không tái tạo. Thu hút FDI phải từ nhiều thị trường và đối tác. Không thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, bối cảnh quốc tế đang thay đổi và đây là thời cơ để chúng ta bứt phá, vượt lên để không lệ thuộc về thương mại và đầu tư vào một vài quốc gia, vào một số thị trường nữa. Đồng thời, đây cũng là thời cơ để chúng ta bứt lên về công nghệ.
“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định niềm tin vào cơ hội đầu tư ở Việt Nam, điều này cho thấy cơ hội của Việt Nam trong thu hút FDI thời gian tới là rất lớn. Nhưng thế giới đang có nhiều thay đổi và tác động đến dòng FDI từ đó tạo ra cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Chiến lược FDI mới cần đặt trong tổng thể một tầm nhìn khác, trong điều kiện toàn cầu đang thay đổi”, chuyên gia Trần Đình Thiên nói.
Tháo điểm nghẽn để hút vốn FDI
Dưới góc độ nhà đầu tư, một trong những vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi lựa chọn quốc gia đầu tư là trình độ của công nghiệp hỗ trợ của nước sở tại. Ông Testu Funayama, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mistubishi Corporatieo Việt Nam cho biết, 66% DN sản xuất của Nhật lựa chọn Việt Nam là quốc gia tiềm năng đầu tư ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, nút thắt lớn trong môi trường đầu tư của Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản đề cập đến đó là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của các DN FDI. “Do vậy, trước tiên Chính phủ Việt Nam và DN Nhật Bản cần mở rộng khung khổ hợp tác đào tạo nhân lực, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng… ở Việt Nam. Trước mắt, đề xuất Chính phủ cho thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực trọng điểm, tạo điều kiện cho DN Nhật Bản có năng lực kỹ thuật cao trong ngành này đẩy mạnh và đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực nhất là những ngành có tiềm năng trong tương lai.
Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, một trong những rào cản về chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI với Việt Nam là việc thiếu nhân lực và khoa học kỹ thuật. Trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn hóa những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ kỹ thuật cho kỹ sư, người lao động để DN FDI tin tưởng hơn khi đầu tư vào Việt Nam, không bị lãng phí thời gian và chi phí để đào tạo, tuyển chọn người lao động. Đồng thời, các thủ tục hành chính cần được đơn giản hóa, minh bạch và rõ ràng.
Về định hướng thu hút vốn FDI thời gian tới, đại diện các địa phương lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài nhấn mạnh tới cải cách thủ tục hành chính. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để thu hút được vốn FDI, các bộ và các tỉnh cần tiếp tục triển khai tích cực cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay nhiều bộ chưa nối với nhau nên thủ tục chưa nhanh, trong khi đó, các thủ tục hành chính là quan trọng bởi nhà đầu tư không cần nhiều ưu đãi, họ cần thông thoáng để không mất nhiều thời gian, chi phí. Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, cần xây dựng dữ liệu chung về FDI giữa các cơ quan cấp phép đầu tư, cơ quan Thuế, Hải quan. Việc quản lý sau cấp phép chặt chẽ, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn vốn FDI.
Khẳng định FDI là bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Việt Nam cần phải tranh thủ các cơ hội để bứt phá trong thu hút FDI, tạo điều kiện tốt nhất để đón nhận dòng đầu tư mới vào Việt Nam. Bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư… Đối với các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị DN FDI cần triển khai đầu tư đúng cam kết, đúng tiến độ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, phải quan tâm đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, gắn kết với các DN Việt Nam để cùng phát triển. Đầu tư phát triển sản xuất gắn với nâng chất lượng đời sống người lao động, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng: Dòng ĐTNN toàn cầu đang có xu hướng giảm; những thay đổi và xung đột thương mại trên thế giới có tác động đến điều chỉnh dòng đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Áp lực cạnh tranh thu hút ĐTNN của một số nước trong khu vực ngày càng tăng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, những vấn đề này đang tác động đến thu hút FDI vào Việt Nam. |