EVN kiến nghị không kéo dài áp dụng cơ chế giá cố định cho điện gió | |
Chính sách nhiều đổi thay làm khó nhà đầu tư | |
Tháo rào giúp năng lượng tái tạo “cất cánh" |
Phát triển năng lượng tái tạo, điển hình là điện gió, điện mặt trời đang là ưu tiên hàng đầu để nhanh chóng bổ sung nguồn điện thiếu hụt cho Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Ngày 29/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã gửi tới Bộ Công Thương văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan tới kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án điện gió.
Ý kiến được đưa ra sau khi Chính phủ đã triệu tập họp với các bộ ngành vào ngày 21/7. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tác động của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án điện gió ở nước ta.
Nhiều dự án đang triển khai bị chậm trong khâu cung cấp thiết bị và trong công tác xây lắp nên không thể đưa vào vận hành đúng tiến độ để được áp dụng giá FIT tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Trong văn bản này, Phó Thủ tướng chưa “chốt” việc có kéo dài ưu đãi cho điện gió hay không. Thay vào đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, thống nhất về phương án cụ thể giải quyết các khó khăn trong đầu tư xây dựng điện gió. Việc này sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2020.
“Trường hợp cần thiết kéo dài cơ chế giá cố định đối với điện gió, cần sự thống nhất của các bộ ngành về đối tượng áp dụng và báo cáo về dự kiến mức giá cố định áp dụng cho giai đoạn kéo dài”, văn bản nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió và sớm triển khai thí điểm cơ chế này để nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, giảm giá mua điện từ các dự án điện gió; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 9/2020.
Trên thực tế, lĩnh vực điện gió chỉ thực sự thu hút đầu tư sau khi có Quyết định số 39. Quyết định 39 đã đưa ra các mức giá ưu đãi 8,5 Uscents/kWh và 9,8 Uscents/kWh lần lượt áp dụng với các dự án điện gió trong đất liền và các dự án điện gió trên biển.
Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Thời gian qua, có nhiều địa phương cũng như một số tổ chức quốc tế và cơ quan Trung ương có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió đang triển khai đầu tư xây dựng song bị chậm tiến độ hoàn thành do tác động bất lợi của nguyên nhân khách quan.
Chính Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023. Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tính toán, đề xuất giá mua điện gió mới áp dụng cho các dự án điện gió có ngày vận hành trong giai đoạn từ 1/11/2021- 31/12/2023, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Liên quan tới vấn đề này, tại diễn đàn cấp cao năng lượng diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) phân tích, về điện gió, 10 năm qua cả nước chỉ làm được 400 MW, trong đó riêng Công ty Trung Nam đã là hơn 100 MW.
Đầu tư cho điện gió thực chất khá khó khăn. Thứ nhất tất cả các thiết bị xây dựng, lắp đặt cho điện gió đòi hỏi thiết bị siêu trường, siêu trọng, phải có những xe đặc chủng, cẩu đặc chủng mới làm được.
Ở thị trường Việt Nam rất hạn hẹp cho điều này, nhất là hiện nay bắt đầu tiến ra phát triển điện gió Nearshore (điện gió ven biển), Offshore (điện gió ngoài khơi)... Thiết bị làm trên biển không phải chuyện đơn giản, Việt Nam hầu như không có. Đây là thách thức rất lớn với các nhà đầu tư.
Thứ hai là toàn bộ thiết bị, công nghệ về tuabin gió Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.
Với chính sách đến cuối năm 2021 là hết ưu đãi về giá điện gió (với mức giá điện trong đất liền là 8,5 Uscents/kWh và điện gió trên biển là 9,8 Uscents/kWh-PV), gần đây các nhà cung cấp nước ngoài đã bắt chẹt nhà đầu tư trong nước rằng nếu không mua thì không còn thời gian để làm kịp, đẩy các nhà đầu tư trong nước "sống dở chết dở".
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương cũng xem xét các kiến nghị của các nhà đầu tư, đề nghị Chính phủ cho các dự án điện gió được hưởng cơ chế giá mua điện cố định tới hết tháng 12/2023, sau đó mới tiến hành đấu thầu, đấu giá cạnh tranh để chọn nhà phát triển dự án.
“Tôi thấy rằng việc thay đổi đó là hợp lý để các nhà đầu tư bù đắp lại thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời quay lại đàm phán công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Tâm Tiến nhấn mạnh.
Trái ngược với mong muốn kéo dài thời gian áp dụng giá FIT cho điện gió đến hết năm 2023 như quan điểm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu tư điện gió, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại cho rằng không nên tiếp tục kéo dài. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16/7 vừa qua, EVN kiến nghị Thủ tướng xem xét không kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại cơ chế đấu thầu, đấu giá áp dụng cho điện mặt trời thỏa mãn các điều kiện liên quan tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hiện được Bộ Công Thương xây dựng và báo cáo Thủ tướng. Đồng thời Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương hoàn thiện trình lại Chính phủ trước ngày 10/7/2020 để thực hiện vào đầu năm 2021. “Do vậy, cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió có thể học tập kinh nghiệm từ cơ chế đầu thầu, đấu giá áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào cuối năm 2021 (thời điểm hết hiệu lực của giá FIT áp dụng cho điện gió hiện nay)”, EVN nêu rõ. |