Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều "đang rối như tơ vò" trong cuộc tranh chấp làm suy yếu thị trường tài chính toàn cầu, việc đạt được thỏa thuận đình chiến đã giúp tháo gỡ phần nào những “nút thắt” suốt nhiều tháng qua. Chẳng thế mà sau cuộc họp khoảng 2,5 giờ, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố cuộc hội đàm “rất ổn”.
Tại cuộc hội đàm, Mỹ và Trung Quốc nhất trí không áp đặt các biện pháp thuế quan mới sau ngày 1/1/2019, thời điểm Washington dự định áp đặt các mức thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ xem xét việc phê duyệt thỏa thuận mua lại NXP của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm mà trước đây bị Trung Quốc không thông qua do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Việc trì hoãn áp thuế suất mới sẽ được áp dụng trong vòng 90 ngày để hai nước tiến hành các đàm phán nhằm tháo "ngòi nổ" chiến tranh thương mại.
Quyết định này cho thấy Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đều đang muốn làm dịu bầu không khí căng thẳng. Chính vì vậy, cuộc thảo luận này đã kéo dài gần 2 giờ rưỡi, nhiều hơn một giờ đồng hồ so với dự kiến ban đầu. Tổng thống Donald Trump đã hoan nghênh động thái này từ phía Trung Quốc là “một thỏa thuận không thể tin được”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định thỏa thuận quan trọng nói trên đã thực sự ngăn chặn nguy cơ gia tăng xung đột về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội mới cho hợp tác cùng thắng. Ông nhắc lại rằng lãnh đạo hai nước nhất trí Trung Quốc và Mỹ "có thể và cần phải" đảm bảo thành công trong quan hệ song phương.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung Quốc lại coi thỏa thuận không áp đặt thuế và tiếp tục thương lượng này là một ván bài đặt cược tiếp theo của hai bên trong quá trình đàm phán kéo dài 1 năm qua mà không giải quyết được những bất đồng sâu sắc. Nói như ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung thì “đó là một sự trì hoãn” và “đó chắc chắn không phải là giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào, dù giúp tình hình hiện nay sáng sủa hơn. Giờ thì chúng ta hãy chờ đợi xem”. Hay theo Phó Giám đốc điều hành kiêm trưởng phụ trách vấn đề quốc tế của Hiệp hội Thương mại Mỹ Myron Brilliant, "giờ thì công việc khó khăn sẽ bắt đầu”.
Phải thừa nhận một thực tế rằng dù lãnh đạo mỗi bên đều ca ngợi mối quan hệ cá nhân thân thiết của nhau, song tuyên bố mà hai bên đưa ra đều chất chứa sự cách biệt giữa Washington và Bắc Kinh. Trong đó, sự khác biệt lớn nhất là việc Trung Quốc không hề đả động gì đến một thời gian biểu cho các cuộc đàm phán tới đây. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không đề cập cụ thể loại hình thị trường nào mà nước này sẽ mở cửa trong thời gian tới, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump không ngừng đề cập vấn đề nông nghiệp, vốn là lĩnh vực mà nông dân trồng đậu nành của Mỹ chịu hậu quả do biện pháp trả đũa thuế quan của Trung Quốc.
Vì vậy, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về những gì có thể đạt được trong vòng 3 tháng tới, đồng thời cho rằng hai bên khó có thể đạt được một bước đột phá thực chất trước khi thời hạn chót tiếp theo hết hạn. Còn nhớ, tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng đã từng đưa ra cam kết mua nhiều hơn hàng nông sản và năng lượng của Mỹ, song rốt cuộc, Tổng thống Donald Trump cũng lại bác bỏ. Đó là chưa kể, với một vị Tổng thống hay thay đổi như Donald Trump thì không có gì có thể chắc chắn. Chính vì lẽ này, mà trong tuyên bố khi trở lại Mỹ trên Không lực Một, dù thông báo "đây là một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc do Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đưa ra”, song Tổng thống Trump lại thừa nhận chưa có gì cụ thể và chắc chắn.
Trong bối cảnh nhiều vấn đề lớn vẫn đang tồn tại trong đó có sự mất cân bằng thương mại hay quyền sở hữu trí tuệ, thời hạn "tạm đình chiến" 90 ngày chắc chắn sẽ không đủ dài để giải quyết triệt để bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.