【xếp hạng bóng đá trung quốc】Thú vị các chuyên đề khảo cổ học của Bình Dương
Có dịp tham quan Bảo tàng tỉnh và tìm hiểu các chuyên đề “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” mới thấy được công sức của các cán bộ bảo tàng đi điền dã, sưu tầm hiện vật và những thú vị về sự kết nối xưa và nay...
Các hiện vật được trưng bày, triển lãm trong Ngày Di sản văn hóa 2018 tại Khu địa đạo Tam giác sắt
Bảo tàng tỉnh đã xây dựng chuyên để “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” với 46 ảnh và 137 hiện vật để giới thiệu với khách tham quan một cách khái quát nhất về văn hóa khảo cổ trên vùng đất Bình Dương. Các hiện vật và hình ảnh này gồm những di tích khảo cổ: Cù lao Rùa, Hàng Ông Đại, Hàng Ông Đụng, Dốc Chùa...
Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu khái quát, ngắn gọn và các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn khi đến tham quan Bảo tàng tỉnh. Di tích Cù lao Rùa (niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay) được khai quật vào các năm 1977, 2001, 2003. Các hiện vật tìm được gồm đá, mảnh gốm các loại, rìu tứ giác, rìu có vai, cuốc đá, dao mảnh khuôn đúc rìu... Riêng năm 2003, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ mở cuộc khai quật quy mô lớn, phát hiện được 12 ngôi mộ với nhiều đồ tùy táng; 941 hiện vật đá (rìu, cuốc, đục, bàn mài, vòng tay...) và 84.818 mảnh gốm các loại. Đặc biệt, cuộc khai quật có quy mô lớn đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều thông tin khoa học mới mà trước đây chưa từng phát hiện là Cù lao Rùa có 2 giai đoạn phát triển: “Cù lao Rùa là một khu di tích cư trú vừa là một khu mộ táng” và “Niên đại di tích của giai đoạn sớm khoảng 3.500 năm cách ngày nay”.
Di tích Hàng Ông Đại cũng có niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Từ kết quả khai quật, khu vực Hàng Ông Đại từ hơn 3.000 năm trước đã có một cộng đồng cư dân chiếm lĩnh và được sử dụng thành một khu sản xuất công cụ chuyên biệt, việc cư trú ở vùng này không cao mà chỉ làm nơi sử dụng làm khu sản xuất công cụ phục vụ cho một nhu cầu rộng lớn của cả vùng Đông Nam bộ thời tiền sử.
Với Di tích Hàng Ông Đụng (niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay), sản phẩm chính có rất nhiều loại hình khác nhau như rìu tứ giác, rìu vai, cuốc, dao hái, đục, mảnh tước, phế vật, phác vật... Các công cụ này có kích thước nhỏ trong đó rìu và dao hái cũng là những sản phẩm phổ biến. Các loại hình công cụ được chế tác tại di tích chính là các công cụ thiết yếu dùng trong canh tác, rất hiếm các loại hình vũ khí dùng trong săn bắn nơi đây.
Di tích Dốc Chùa (niên đại 3.000 - 2.500 năm cách ngày nay) được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1976 khi Ban Khảo cổ (nay là Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ) điều tra, kiểm chứng thông tin về di tích khảo cổ học Mỹ Lộc gần đó. Dốc Chùa là một trong những di tích được giới nghiên cứu quan tâm và khai quật nhiều nhất trong số các di tích khảo cổ đã phát hiện ở Đông Nam bộ. Diện tích phân bố của di tích khá rộng, trên 10.000m2 ở các mặt sườn đồi nhìn ra phía bờ sông Đồng Nai, tầng văn hóa mỏng ở phía trên và dày dần xuống phía dưới chân đồi, với hai lớp văn hóa khá dày và một khu mộ táng lớn mà khảo cổ học đã khai quật được. Tại đây đã trải qua một quá trình cư trú lâu dài, với các ngành nghề thủ công mà nổi bật nhất có lẽ là dệt vải và đúc đồng. Dấu vết còn lại là 40 ngôi mộ huyệt đất cùng rất nhiều đồ tùy táng. Có thể nói lòng đất Dốc Chùa chính là nơi gìn giữ gần như toàn vẹn các bằng chứng của đời sống vật chất và tinh thần người cổ từng sinh sống nơi đây, là nơi bảo tồn các thành tựu đỉnh cao của một trung tâm kim khí quan trọng vào thời điểm xấp xỉ 3.000 năm trước. Di tích Dốc Chùa vì thế có một vị trí rất quan trọng trong thời tiền - sơ sử Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng.
Trong những di tích trên, có 2 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia là Dốc Chùa (28-12-2001) và Cù lao Rùa (3-3-2009). Hệ thống lại những di tích này, càng giúp chúng ta yêu quý hơn vùng đất giàu truyền thống, phong phú ngành nghề này...
QUỲNH NHƯ