【bd tv】Đi tìm thương hiệu gạo sạch
(CMO) Hơn 48.000 ha lúa được sản xuất trên đất nuôi tôm, đó là lợi thế mà ít tỉnh nào có được như Cà Mau. Thế nhưng, thời gian qua, tiềm năng này chưa được khai thác và đầu tư đúng mức, nhất là chưa xây dựng được thương hiệu nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, thậm chí đang lãng phí rất lớn
Bài 1: Trở lực từ sản xuất thủ công, lạc hậu
Thành công của vụ mùa năm 2017 một lần nữa khẳng định mô hình lúa - tôm là hướng đi mang lại hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, đã qua gần chục năm từ vài chục héc-ta thí điểm ban đầu, đến nay đã có trên 48.000 ha đất sản xuất theo mô hình tôm - lúa, song hình thức canh tác vẫn còn thủ công, lạc hậu, chưa tạo bước đột phá.
Những ngày này, không khí vui tươi tràn ngập vùng quê Thới Bình. Nhà nhà được mùa lại được giá lúa, người trúng đậm tôm càng xanh, cũng có người trúng cả lúa lẫn tôm càng xanh. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa trọn vẹn, vẫn còn đó không ít lo toan, trăn trở.
Chi phí sản xuất cao
Huyện Thới Bình là địa phương có diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm lớn nhất tỉnh. Trong vụ mùa vừa qua, toàn huyện xuống giống trên 19.700 ha. Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Minh Vững, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay khá thành công, năng suất đạt bình quân khoảng 4,3 tấn/ha, cá biệt có nơi lên đến 6 tấn/ha. Không chỉ trúng mùa mà người dân còn được giá.
Xét về năng suất, giá thành đầu ra, đúng là vụ lúa - tôm năm nay của người dân Thới Bình vô cùng thành công. Nhưng xét về tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, nhất là chi phí sản xuất và nhân công.
Do không có nhân công nên gia đình anh Nguyễn Văn Dễ phải tự thu hoạch lúa. |
Đã theo mô hình trồng lúa liên tục 4 năm qua, anh Nguyễn Văn Dễ, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Đông, tâm sự: “Chưa có năm nào thuê người gặt lúa lại khó khăn như năm nay. Nếu năm tới diện tích tăng thêm nữa thì không thể làm nổi”.
Anh Dễ cho biết, năm nay gia đình cấy lúa trên vuông tôm khoảng 3 ha. Tuy nhiên, chỉ thuê gặt được một nửa, còn lại phải chạy nhờ hết người này đến người khác giúp công gần 10 ngày mới xong. Ban đầu giá gặt mỗi công đất chỉ 350.000 đồng, nhưng về sau lên 600.000 đồng mà cũng không có người gặt. “Với giá này, nếu tính hết chi phí thì từ cải tạo, giống, cấy, gặt, suốt lúa… đã hết khoảng 15-16 giạ/công, nên dù có được mùa, được giá cũng chẳng còn lại là bao”, anh Dễ bộc bạch.
Theo thống kê, vụ lúa trên đất nuôi tôm của huyện Thới Bình gần như 100% vẫn còn thu hoạch thủ công nên không chỉ chi phí tăng mà thất thoát sau thu hoạch khá cao. Thiếu lao động là khó khăn thật sự đối với vụ lúa trên địa bàn huyện Thới Bình. Theo ông Phạm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Trí Phải, nhiều hộ dân nâng giá mỗi công gặt lúa lên đến 600.000 đồng mà không có người làm.
Liên quan đến chi phí sản xuất, cụ thể là trong việc cải tạo đất, trước đó có một chủ cơ sở cơ khí ở ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, do ông Nguyễn Văn Rô làm chủ, đã từng nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy cày siêu nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu và giá thành thấp (trên 10 triệu đồng). Sáng kiến này được các ngành chuyên môn đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong việc cải tạo đất phục vụ nuôi tôm cũng như rửa mặn phục vụ canh tác lúa. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên cơ sở không thể sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.
Để nhân rộng mô hình này trong dân nhằm giúp bà con giảm chi phí cũng như sản xuất hiệu quả hơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Ngân hàng NN&PTNT hỗ trợ cơ sở này trong việc tiếp cận vốn mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện ý kiến chỉ đạo trên thời gian qua chưa đến nơi đến chốn.
Mới đây, trong chuyến khảo sát tình hình sản xuất trên địa bàn huyện Thới Bình, khi nghe người dân phản ánh những khó khăn, trong đó có cơ giới phục vụ cho sản xuất, ông Lê Văn Sử một lần nữa nhấn mạnh, sản phẩm được đánh giá là tốt, khả năng ứng dụng cao lại không được nhân rộng trong khi người dân đang thiếu thiết bị, việc này phải xem lại vai trò của chúng ta.
Đang lãng phí lớn
Thiếu cơ giới khiến chi phí sản xuất tăng cao, hao hụt lớn là lãng phí, tuy nhiên, một sự lãng phí vô cùng lớn đang diễn ra trong nhiều năm qua đó chính là chưa xây dựng được thương hiệu gạo sạch trên đất nuôi tôm. Một điều gần như ai cũng biết và chắc chắn là lúa canh tác trên đất nuôi tôm là lúa sạch. Bởi lẽ, trong toàn vụ mùa từ lúc cấy cho đến thu hoạch, người dân không phun xịt bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, thậm chí khi lúa có sâu bệnh, vì sợ ảnh hưởng đến con tôm, vật nuôi chính của họ nên nông dân không sử dụng thuốc phòng trừ.
Biết là vậy nhưng bao năm qua gạo trên đất nuôi tôm của Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng chỉ ngang tầm với các loại gạo đơn thuần khác vì chưa có một chứng nhận nào khẳng định chất lượng là gạo sạch. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn. Xin lấy thương hiệu “Gạo sạch Thạnh Phú” được sản xuất trên đất nuôi tôm tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, so sánh để thấy được mức độ lãng phí thời gian qua là lớn như thế nào. Được biết, huyện Thạnh Phú chỉ khoảng 6.000 ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Đồng thời, giống lúa canh tác ở đây cũng là những giống rất phổ thông như OM 6162, 4910 hay 5451. Tuy nhiên, điều đặc biệt là họ xây dựng được quy trình canh tác để tạo ra gạo sạch và được công nhận nhãn hiệu “Gạo sạch Thạnh Phú”. Chỉ với thương hiệu này, hiện tại giá lúa người dân bán khoảng 8.500 đồng/kg, còn gạo được vào bao bì dán nhãn hiệu với giá thị trường từ 20.000-25.000 đồng/kg mà không đủ bán, các doanh nghiệp phải tranh nhau mua.
Toàn bộ các giống lúa trên đều được người dân sản xuất trên vùng lúa - tôm của tỉnh, thậm chí cả các giống lúa đặc sản như ST 20 cũng đã đến vùng này nhiều năm qua. Điều đặc biệt trong vụ mùa vừa qua, mô hình thí điểm giống ST 24, loại gạo nằm trong tốp 3 loại gạo ngon nhất thế giới đang cho kết quả bước đầu khá cao. Như vậy, về thổ nhưỡng vùng lúa - tôm của Cà Mau từ bằng cho đến hơn những nơi khác.
Theo đó, chỉ cần làm một phép tính nhỏ là có thể thấy mỗi năm tỉnh đang lãng phí bao nhiêu tiền của mà lẽ ra người dân được hưởng. Diện tích lúa trên đất nuôi tôm toàn tỉnh năm 2017 trên 48.000 ha, với năng suất bình quân khoảng 4,2 tấn/ha thì có trên 201.600 tấn lúa. Với giá bán hiện tại, chỉ hơn 5.000 đồng/kg so với 8.500 đồng/kg ở vùng lúa trên đất nuôi tôm của huyện Thạnh Phú, bình quân mỗi ký lúa chênh lệch khoảng 3.000 đồng, tổng lãng phí của vụ mùa năm 2017 khoảng 604,8 tỷ đồng. Con số này thể hiện đúng như nhận định của ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật: “Ta đang đứng trên đống vàng mà chưa biết khai thác”. Do đó, để không lãng phí tài nguyên như thời gian qua, ông Thức cho rằng, chúng ta phải làm thương hiệu gạo sạch và làm ngay từ bây giờ, dù đã muộn./.
BÀI 2: Hướng mở gạo sạch
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, trồng lúa trên đất nuôi tôm hiện nay còn tiềm năng rất lớn. Đây là hướng đi đúng, tuy người dân đã nhận thức được điều này nhưng vẫn phải tiếp tục thúc đẩy mô hình tôm - lúa bằng cách hỗ trợ, hướng dẫn và tuyên truyền. Đồng thời, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tìm giải pháp giảm chi phí sản xuất cho người dân từ khâu cải tạo, cấy lúa cho đến thu hoạch theo hướng cơ giới hoá nền nông nghiệp. |
Nguyễn Phú
本文地址:http://app.marimbapop.com/news/404a799139.html
版权声明
本文仅代表作者观点,不代表本站立场。
本文系作者授权发表,未经许可,不得转载。