Nhiều giải pháp đã được triển khai Ở nhiều nước trên thế giới, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã khẳng định là kênh bán bảo hiểm rất hiệu quả mang lại cả lợi ích cho ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và người tham gia bảo hiểm. Dù mới phát triển ở Việt Nam, song bancassurance đã cho thấy sự phát triển nhanh, đóng góp doanh thu lớn cho các ngân hàng và DNBH. Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy, vì mới triển khai và phát triển nhanh chóng nên việc triển khai bancassurance tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, cần phải thay đổi để phát triển đúng định hướng. Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH - Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các ngân hàng và DNBH phải nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ pháp luật, có các biện pháp nhằm đảm bảo việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm một cách minh bạch, đầy đủ cho khách hàng, đặc biệt cấm các hành vi lôi kéo, “ép buộc” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Vừa qua, cơ quan quản lý cũng đã thực hiện thanh tra 4 DNBH và công khai kết luận thanh tra tới công luận, đồng thời, các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm (ĐLBH), DNBH trong quá trình triển khai bancassurance đang được rà soát để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật đã và sắp ban hành cũng bổ sung nhiều quy định nhằm kịp thời điều chỉnh những bất cập phát sinh liên quan tới việc triển khai bancassurance trong thời gian qua; đồng thời hỗ trợ kênh phân phối này phát triển một cách đúng hướng, phát huy được những lợi thế, tiềm năng.
Quy định pháp lý mới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính Theo đại diện Cục QLGSBH, để hỗ trợ kênh bancassurance phát triển theo hướng bền vững, các quy định mới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là: tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bancassurance. Tại Điều 62 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Nghị định 46) đã bổ sung các yêu cầu đối với ĐLBH là tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD sẽ phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động ĐLBH, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của TCTD. Đồng thời, dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46 cũng bổ sung các quy định trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, ĐLBH, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động ĐLBH phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do DNBH xây dựng và cung cấp. Đặc biệt, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm. Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng yêu cầu các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua TCTD không phải là sản phẩm của TCTD và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của TCTD. Theo đại diện Cục QLGSBH, để đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia bảo hiểm của khách hàng, ngoài các tài liệu minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và hưu trí, Điều 97 của Nghị định 46 cũng bổ sung yêu cầu DNBH phải thiết lập công cụ tính toán trên website của doanh nghiệp và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp với bản thân trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm. Song song với đó, dự thảo thông tư hướng dẫn cũng đã bổ sung quy định về việc TCTD không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép buộc khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khi đến vay vốn tại ngân hàng như báo chí và dư luận xã hội đã nêu trong thời gian qua. Đại diện cơ quan quản lý còn cho biết thêm, nhằm tăng cường chất lượng của hoạt động bancassurance, Điều 62 Nghị định số 46 đã bổ sung các yêu cầu đối với các TCTD hoạt động ĐLBH như: TCTD phải thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động ĐLBH; phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động ĐLBH của các nhân viên trong tổ chức đại lý. Quy trình này phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, tại dự thảo thông tư mới cũng bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bancasurance... |