Sáng 26/8, UBND thành phố Hà Nội, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002, của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP.Hà Nội. Nguồn vốn chính sách triển khai kịp thời và hiệu quảTheo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội, trong 20 năm qua, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP.Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật. Tính đến ngày 31/7/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị-xã hội là 12.480 tỷ đồng với 253.863 khách hàng đang vay vốn tại 7.082 tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm tỷ trọng 97,6% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Chi nhánh NHCSXH thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ là 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đang có dư nợ tại 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 12.778 tỷ đồng với gần 254 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 12.444 tỷ đồng (gấp 38,3 lần) so với thời điểm nhận bàn giao.
Trong 20 năm, thông qua nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH thành phố đã giải ngân cho trên 580.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 630.000 lao động, hỗ trợ xây dựng 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo… Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc bố trí riêng nguồn lực cho vay người lao động và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phục hồi sản xuất, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ… Kết quả đạt được trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách; khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Tập trung bố trí ngân sách, chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH hàng nămTại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà ghi nhận kết quả mà NHCSXH Chi nhánh thành phố Hà Nội đạt được qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và nhấn mạnh, chất lượng tín dụng (tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh) đạt 0,024%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của NHCSXH Việt Nam (0,67%) và là địa phương luôn quan tâm dành nguồn lực ngân sách để ủy thác hỗ trợ vốn cho hoạt động của NHCSXH; có mức ủy thác qua NHCSXH (6.367 tỷ đồng) cao nhất toàn quốc. Thời gian tới, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, thông qua chức năng quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ và hoạt động tín dụng ngân hàng, sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nói chung, hoạt động tín dụng ngân hàng và hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng trên địa bàn. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh đề nghị thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố và các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành, cơ quan liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và UBND các cấp cùng chi nhánh NHCSXH thành phố tập trung bám sát định hướng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Hội đồng quản trị và NHCSXH cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong từng giai đoạn. Cụ thể, quan tâm tập trung bố trí ngân sách, chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH hàng năm để tạo nguồn lực ổn định, bền vững; thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức và xác định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương..../.
|