Theo khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp Vương quốc Anh (CBI), phần lớn các nhà sản xuất nước này có kế hoạch tăng giá trong 3 tháng tới, cho thấy sức ép lạm phát đang tác động lên nền kinh tế Anh. Với việc giá năng lượng đang tăng vọt và tiền lương đang có xu hướng tăng, CBI cho biết 77% công ty dự kiến sẽ tăng chi phí hàng hóa sản xuất trong 3 tháng tới, cao hơn so với mức 66% trước đó. Lượng đơn đặt hàng vẫn mạnh trong tháng 2/2022 do nhu cầu hàng hóa sản xuất toàn cầu vẫn ổn định. Nhờ một số biện pháp kích thích kinh tế, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đã tăng 20% so với mức trước đại dịch, gây sức ép lên giá nguyên liệu và giá năng lượng trên thị trường quốc tế. Phó kinh tế trưởng của CBI Anna Leach cho biết các nhà sản xuất vui mừng với số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh, nhưng trong bối cảnh sức ép chi phí đang diễn ra, gần 4/5 công ty dự kiến sẽ tăng giá trong 3 tháng tới. Bà Anna Leach kêu gọi Bộ trưởng sử dụng bản báo cáo ngân sách mùa xuân, dự kiến công bố vào tháng tới, để tăng các động lực đầu tư nhằm giúp đỡ các nhà sản xuất. Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chính thức đã tăng lên 5,5% trong tháng 1/2022, cao nhất kể từ tháng 3/1992, trong khi chỉ số giá bán lẻ, được sử dụng làm chuẩn trong hầu hết các cuộc đàm phán trả lương, đã tăng lên 7,8%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong tháng này dự đoán rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 7,25% vào tháng 4/2022, khi hóa đơn năng lượng hộ gia đình dự kiến tăng hơn một nửa. Phát biểu tại hội nghị Liên minh Nông dân quốc gia ngày 22/2, Phó thống đốc BoE Sir Dave Ramsden dự đoán chi phí đi vay sẽ tăng dần dần để chống lại sức ép lạm phát đang tác động lên nền kinh tế Vương quốc Anh, song ông cho biết lộ trình dài hạn của lãi suất rất khó đoán định bởi những bất ổn liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine./. |