Việt Nam đang làm tốt khâu may thì chỉ nên tiếp tục làm tốt khâu đoạn này. Ảnh internet. Câu chuyện của dệt may trong TPP đang mở ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này? Quy tắc chủ đạo của dệt may trong TPP là “yarn forward” hay còn gọi là “từ sợi trở đi”. Quy tắc này được hiểu một cách chung nhất là tất cả công đoạn sản xuất hàng dệt may bao gồm kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối TPP. Tuy nhiên, TPP cũng chấp nhận một số mặt hàng được áp dụng quy tắc “cắt và may” đối với những sản phẩm gồm vali, túi xách, quần áo trẻ em tổng hợp… Chính vì lẽ đó nên chúng tôi đang tìm cách triển khai đến các doanh nghiệp phải khai thác trước những lợi thế này. Lộ trình 5 năm tới sẽ cần đầu tư một số mặt hàng có lợi thế đáp ứng được yêu cầu của “yarn forward”. Đây có phải là điểm khó nhất của doanh nghiệp dệt may khi tham gia TPP? Đúng vậy, điều này đỏi hỏi trong vài năm tới chúng ta phải đáp ứng được vải hoàn tất, trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp đang thiếu vốn đề đầu tư. Hai là doanh nghiệp cũng đang yếu về kỹ thuật. Do đó con đường sắp tới là phải “lôi kéo” doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, chúng ta là người góp vốn, cổ phần, có thể “đối tác” đầu tư tới 90% vốn nhưng phải cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đó là con đường của doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới. Tổng kết năm 2015, ngành Dệt may đã không đạt được mục tiêu đề ra là 27,5 tỷ USD, theo ông nguyên nhân là do đâu? Tại sao năm 2015 tăng trưởng của dệt may cũng như một số ngành hàng khác như thủy sản không đạt mục tiêu đề ra? Theo tôi có một nguyên do khá lớn là vấn đề tỷ giá. Trong khi các nước đều hạ giá đồng tiền so với USD, ví dụ Nhật Bản hạ giá tới 17%, châu Âu 18% nhưng Việt Nam chỉ nới room từ 2 lên 4%, cộng trừ 2 nghĩa là chỉ tăng được 2% và cộng trừ 2 thôi, đương nhiên hàng Việt Nam trở thành hàng đắt, mà đắt đương nhiên thị trường thế giới sẽ chọn hàng rẻ hơn. Bắt đầu từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tỷ giá trung tâm, không phải theo số liệu liên ngân hàng nữa mà theo cơ chế thị trường nhưng tôi cho rằng thực sự vẫn chưa linh hoạt. Nếu so sánh với tất cả đồng tiền trong ASEAN hay những thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản hay châu Âu, chúng ta đều chưa bằng. Vậy theo ông, triển vọng 2016 đối với doanh nghiệp sẽ như thế nào? Năm 2016 chúng tôi xác định vẫn là những khó khăn. Hiện doanh nghiệp thế giới vẫn đang tìm nơi nào cung cấp sản phẩm có giá tốt, bởi trong thương mại, giá là vấn đề đầu tiên doanh nghiệp quan tâm. Do đó, chúng ta phải làm tốt được vấn đề này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể trông chờ tất cả vào Nhà nước mà phải tự điều chỉnh. Điều chỉnh ở đây là nâng cao năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động để giảm những chi phí đầu vào tăng như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… Tôi cũng rất quan tâm đến vị trí của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Muốn có một sản phẩm dệt may cần có nhiều công đoạn, từ trồng bông, dệt sợi đến cắt may, phân phối. Tôi cho rằng, nếu chúng ta đang làm tốt khâu may, tốt nhất vẫn nên làm tốt khâu này. Trung Quốc nhận cắt may một áo sơ mi với giá 90 xu, nếu ta nhận với giá 85 xu, ta sẽ lấy được mối hàng còn nếu nhận với giá 1 đồng thì không ai giao hàng cả. Con đường duy nhất là làm tốt một khâu nào đó trong chuỗi thì mới tham gia được trong chuỗi liên kết toàn cầu. Cá nhân ông có kỳ vọng gì trong năm 2016? Doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vì thành công của Đại hội Đảng XII và tháng 5 tới sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Chắc chắn với tư tưởng đổi mới của Đại hội Đảng, nhiều vấn đề sẽ được cải cách. Trong năm 2015 Chính phủ đã thực hiện được nhiều vấn đề cải cách. Theo đà này, nhiều lĩnh vực sẽ không chỉ đạt được tiêu chuẩn của ASEAN 6 mà có thể là ASEAN 3, có nghĩa là môi trường sẽ rất thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Số lượng doanh nghiệp thành lập trong năm 2015 tăng đột biến, tôi tin rằng trong năm 2016 này, sức sống của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, doanh nghiệp sẽ đón nhận nhiều điều mới hơn trong quá trình đổi mới và phát triển của đất nước. Xin cảm ơn ông! |