(CMO) Sáng nay, ngày 7/7, tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 2, kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận các báo cáo trình kỳ họp và chất vấn lãnh đạo các sở, ngành thuộc UBND tỉnh về các vấn đề bức xúc.
Đại biểu Nguyễn Sơn Ca chất vấn trực tiếp tại hội trường.
Theo đó, có 20 ý kiến chất vấn đối với 12 đơn vị là các sở và UBND tỉnh.
UBND TP. Cà Mau đã cấp phép sai đối với nhà số 1-3 Đề Thám
Lượt trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến quy hoạch đô thị, quản lý xây dựng và nhà ở cho người thu nhập thấp.
Trả lời đại biểu Nguyễn Sơn Ca, đơn vị huyện Đầm Dơi về việc cấp phép xây dựng căn nhà số 1-3 đường Đề Thám, Phường 2, TP. Cà Mau. Căn nhà này do UBND TP. Cà Mau cấp phép có đúng với luật xây dựng không? Giải pháp xử lý của ngành như thế nào?
Ông Dư Minh Hùng khẳng định, việc cấp phép xây dựng cho căn nhà nêu trên của UBND TP. Cà Mau là sai với Luật Xây dựng. Nguyên nhân là do nhận thức về văn bản luật không đúng.
Sở đã kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh xử lý. Nếu trong quá trình cấp phép, sai đến đâu thì điều chỉnh, xử lý đến đó. Có thể sẽ có phương án bồi thường thiệt hại nếu công tác quản lý Nhà nước về xây dựng không đảm bảo.
Ông Hùng cho biết thêm, đây là công trình nhà ở riêng lẻ cấp 2 đầu tiên xây dựng trên địa bàn TP. Cà Mau.
Chỉ đảm bảo 15% quy hoạch nhà ở trên địa bàn TP. Cà Mau
Về vấn đề quy hoạch xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng như vấn đề người thu nhập thấp xây cất nhà ở trên đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, đại biểu Vũ Hồng Như Yến, đơn vị TP. Cà Mau đã chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng.
Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn của đại biểu.
Ông Dư Minh Hùng cho biết, vấn đề nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, tỉnh đã triển khai vài năm nay nhưng vẫn không đảm bảo vì thiếu kinh phí.
Việc người dân tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đang là vấn đề khó khăn lớn của ngành cũng như TP. Cà Mau. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quy hoạch chung. Hiện thành phố chỉ mới đảm bảo được 15% diện tích đất quy hoạch nhà ở, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân.
Công tác này chỉ có thể tiến hành từng bước, không thể làm ồ ạt vì nguồn lực kinh phí và công tác quy hoạch TP. Cà Mau không đảm bảo.
Nên làm rõ vai trò quản lý Nhà nước của Sở Y tế trong lĩnh vực mình quản lý
Về vấn đề cơ sở vật chất, hệ thống phòng cháy chữa cháy ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau xuống cấp và không thể vận hành. Trách nhiệm thuộc về ai? Xử lý như thế nào? Đại biểu Nguyễn Sơn Ca gởi đến ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế.
Ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, quá trình xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau là rất lâu. Khi đưa vào sử dụng thì nhiều hạng mục đã xuống cấp, nên năm 2015, tỉnh đã sửa chữa, khắc phục như hiện trạng. Tuy vậy, hệ thống phòng cháy chữa cháy không thể vận hành. Sở đã yêu cầu bệnh viện có kiến nghị với chủ đầu tư khắc phục.
Qua trả lời của Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Sơn Ca vẫn chưa đồng thuận. Bởi nên làm rõ vai trò quản lý Nhà nước của Sở Y tế và làm rõ vai trò của chủ đầu tư công trình này. Nếu không khắc phục sớm, khi xảy ra sự cố sẽ thiệt hại lớn.
Bệnh viện không đảm bảo vấn đề môi trường: Cà Mau chưa có đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải y tế độc hại
Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN&MT khi trả lời câu hỏi về vi phạm môi trường ở các cơ sở y tế của đại biểu Nguyễn Thu Tư.
Theo ông Trịnh Văn Lên, qua kiểm tra 14 cơ sở y tế của tỉnh, đơn vị đã phát hiện 14/14 đơn vị vi phạm nhiều lĩnh vực về môi trường, trong đó có việc xử lý nước thải y tế, thu gom rác thải y tế.
Đặc biệt, đến nay tỉnh Cà Mau vẫn chưa có đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải y tế độc hại mà phải thuê từ TP. HCM, vì thế vẫn còn xảy ra ô nhiễm từ nguồn này.
Trách nhiệm theo ghi nhận thuộc về ngành Y tế, ngành Tài nguyên - môi trường, các cơ sở y tế và UBND các huyện, thành phố.
Không lấy được mẫu cá chết nên khó xác định nguyên nhân
Đại biểu Võ Thanh Tòng, huyện Đầm Dơi phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản, cá chết hàng loạt ở xã Tân Trung.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, ông Trịnh Văn Lên lý giải, ngành rất quan tâm kiểm tra, giám sát hoàn thành trách nhiệm bảo vệ môi trường và xử lý các đơn vị vi phạm.
Tuy nhiên, việc cá chết ở Đầm Dơi, qua phân tích mẫu nước, rác thải chưa khẳng định được nguyên nhân. Khi ngành tiến hành kiểm tra thì cá đã chết vài ngày trước, không lấy được mẫu cá.
Song, ngành cũng đang xác định 3 nguồn để xảy ra tình trạng trên, bao gồm: nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra môi trường của hộ dân; do nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp và các cơ sở, xí nghiệp chế biến thủy sản ở khu công nghiệp Hòa Trung.
Ông Võ Thanh Tòng không đồng tình việc ông Trịnh Văn Lên thông tin chuyện không lấy được mẫu cá. Ông Tòng nói, cá chết cả 2 tháng và còn đang chết, nếu cần sẽ cho Nhân dân mang cá chết đến Sở Tài nguyên - môi trường để lấy mẫu (cả hội trường cười lớn).
Đề nghị loại bảo các dự án, tiểu vùng sản xuất không phát huy tác dụng
Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, đơn vị huyện Cái Nước đề đạt đến ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT vấn đề quy hoạch vùng, tiểu vùng sản xuất và thiếu khép kín, không phát huy tác dụng. Thậm chí gây cản trở cho Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Đức Tiến phân tích, nên loại bỏ các công trình, vùng, tiểu vùng quy hoạch kém hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân và hạn chế thất thoát ngân sách Nhà nước.
Ông Lê Thanh Triều cho hay, các công trình chưa phù hợp sẽ điều chỉnh, chưa hiệu quả thì xin Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh để đưa nguồn vốn vào các công trình hiệu quả hơn.
Trong quá trình đầu tư, các danh mục công trình này đều tranh thủ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA, như: phải cần 705 tỷ đồng cho tiểu vùng 10; 368 tỷ đồng cho tiểu vùng 3...
Để phát huy hiệu quả các công trình, ngành NN&PTNT sẽ tiến hành rà soát các tiểu vùng, dần hoàn thiện đưa vào sử dụng khép kín và tiếp tục đầu tư. Các tiểu vùng chưa đầu tư hoàn thiện thì giữ nguyên hiện trạng và sẽ có kế hoạch nạo vét đảm bảo phục vụ sản xuất.
Vấn đề quản lý vật tư nông nghiệp và con giống, đại biểu Nguyễn Trường Lưu, đơn vị huyện U Minh đặt ra với ông Lê Thanh Triều.
Ông Triều cho hay, quản lý vật tư nông nghiệp, con giống tỉnh quan tâm và quyết tâm thực hiện nhưng vẫn còn nhiều phức tạp, như kiểm dịch giống thủy sản, giống nói chung.
"Về vai trò người đứng đầu của ngành NN&PTNT, chúng tôi xin ghi nhận và phối hợp với các địa phương rà soát các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thẩm định chất lượng sản xuất để từng bước đảm bảo giống sạch, vật tư nông nghiệp đúng chất lượng cho bà con", ông Lê Thanh Triều khẳng định.
Ngân sách tỉnh chưa đảm bảo cho hơn 5.700 hộ dân di dời khi bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sạt lở bờ biển
Đó là ý kiến trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đối với các đại biểu đặt vấn đề chất vấn về ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và bố trí tái định cư, định canh cho Nhân dân trong vùng ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải trả lời chất vấn.
Ông Nguyễn Tiến Hải cho hay, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu, sạt lở và nước biển dâng, đặc biệt ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của hộ dân tuyến ven biển. Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông làm mất đất sản xuất, mất diện tích rừng ngập mặn, hệ thống đê biển bị đe dọa.
Từ 2017 đến nay, rừng ven biển tỉnh Cà Mau đã mất hơn 4.000 ha. Mặn xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa. Chỉ tính riêng năm 2016, Cà Mau bị thiệt hại 53.000 ha lúa và hơn 155.000 ha nuôi tôm.
Trước tình hình này, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chỉ đạo kiên trì bằng các giải pháp công trình và phi công trình.
Ngoài ra, tỉnh dần hoàn thiện công trình thủy lợi, đảm bảo tái cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; quy hoạch lại sản xuất cũng như quy hoạch lại các cụm dân cư, tái định cư vùng xung yếu...
Hiện tỉnh đã thực hiện 23 km kè chống sạt lở ven biển. Trong đó kè tạo bãi đang phát huy hiệu quả, nhất là vùng biển Tây từ Mũi Cà Mau về Khai Long. Qua đó, đã khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ, tuy nhiên chi phí đầu tư rất cao (từ 30 tỷ đồng/km, nay giảm còn 20 tỷ đồng/km nhưng vẫn không đảm bảo nguồn vốn).
Hiện tỉnh đã thực hiện kè bờ Biển Đông, bờ Biển Tây với chiều dài trên 50 km trong 245 km bờ biển của tỉnh. Song song đó, tỉnh bố trí tái định cư cho 1.500 hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, tình hình sạt lở ven sông, ven các cửa biển đang diễn biến phức tạp. Nhu cầu di dời Nhân dân ra khỏi các vùng này cũng như nhu cầu bố trí tái định cư cho Nhân dân là rất lớn, khoảng 5.700 hộ.
Để bố trí các khu tái định canh, định cư cho 5.700 hộ này, đòi hỏi đầu tư rất lớn, tạo áp lực không nhỏ với tỉnh. Tỉnh đã tranh thủ quyết liệt, báo cáo với Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội nhưng chỉ mới giải quyết được 1 phần ở các vùng bức xúc nhất.
Theo đánh giá của ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch HĐND tỉnh, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này đạt chất lượng cao, mang tính chuyên sâu. Hầu hết các vấn đề đặt ra đều được giải quyết, trả lời ổn thỏa. Song việc bố trí thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn chưa nhiều. Việc này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ xem xét và rút kinh nghiệm ở các kỳ họp tiếp theo.
Qua buổi chất vấn trực tiếp tại hội trường, đã có 11 ý kiến giải được giải đáp, còn lại 10 ý kiến khác liên quan đến các ngành LĐ-TB&XH, GD&ĐT, GTVT, Thanh tra… Chủ tọa kỳ họp yêu cầu các ngành trả lời cụ thể bằng văn bản cho các đại biểu.
Phong Phú