88Point88Point

【tỷ số bdn】Biển vẫn mãi là nguồn sống

Báo Cà Mau(CMO) Biển mênh mông, vô tận, mang lại nguồn sống cho con người, nhưng biển cũng đầy bất trắc, bất thường với bão tố, phong ba. Nhưng vượt qua những tang thương, ngư dân vẫn bám biển, nương nhờ sự bao dung của biển để tiếp tục vươn khơi mang lộc biển về làm giàu cho quê hương, xứ sở. Câu chuyện 20 năm sau cơn bão mang tên Linda (số 5) tại cửa biển Sông Đốc minh chứng điều đó.

Ngày 2/11/1997, bão Linda quét qua tỉnh Cà Mau: 128 người chết, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích, hư hỏng 574 tàu thuyền và mất tích 318 chiếc, tổng thiệt hại vật chất 2.711 tỷ đồng. Cùng với ngư dân Khánh Hội, ngư dân Sông Đốc là những người hứng chịu tang thương, mất mát nặng nề nhất.

Sau 20 năm cơn bão đi qua, trở lại cửa biển Sông Đốc, tấm bia tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng do cơn bão này vẫn sừng sững, nhắc nhở ngư dân đừng bao giờ mất cảnh giác trước sự nổi giận của biển cả mênh mông. Đứng bên bia tưởng niệm, ông Lâm Văn Phú, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, sau 20 năm đời sống của bà con ngư dân thị trấn Sông Đốc có bước phát triển rõ rệt. Năm 1997, đội tàu khai thác ở cửa biển Sông Đốc khoảng 450 chiếc, trong đó khoảng 50 phương tiện đủ công suất khai thác xa bờ, còn lại là những phương tiện nhỏ, khai thác gần bờ. Hiện nay, đội tàu khai thác biển đã tăng hơn 3 lần so với năm 1997, công nghệ khai thác tiên tiến hơn rất nhiều, sử dụng các loại máy định vị tầm gần, tầm xa, sử dụng công nghệ đông lạnh bảo quản sản phẩm trực tiếp trên biển, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Hằng năm, sản lượng đánh bắt trên 100.000 tấn.

Những lúc nhớ con, bà Lê Thị Út đến thắp nhang tại bia tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5.

"Nếu trước kia bà con khai thác một chuyến biển chỉ được từ 20-100 triệu đồng, nay tăng lên từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng. Đời sống của bà con ngư dân tại cửa biển Sông Đốc đã thay da đổi thịt, những căn nhà cao tầng mọc lên san sát; đội tàu khai thác biển từng bước hiện đại, vươn khơi đánh bắt xa bờ mang về tôm, cá đầy khoang, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển", ông Phú phấn khởi.

Ông Phú đưa chúng tôi đến gia đình ông Lê Văn Thiệt, sinh năm 1962 (Khóm 9, thị trấn Sông Đốc). 20 năm trước, khi đó ông Lê Văn Thiệt 35 tuổi, sống cùng mẹ già và 4 người em. Gia tài của gia đình này là chiếc ghe câu mực công suất máy 22 CV. Ông Thiệt là lao động chính. Nghề biển tuy vất vả nhưng thu nhập đủ nuôi gia đình.

Thời điểm cơn bão số 5 xảy ra là lúc ghe của ông Thiệt có 9 người, đang đánh bắt gần khu vực đảo Thổ Chu, thuộc tỉnh Kiên Giang. Ông Thiệt nhớ lại: "Có nghe thông tin bão, nhưng hồi đó tới giờ chưa chứng kiến nên không tin. Ghe tôi và những ghe khác vẫn đánh bắt bình thường. Khi bão đến, lần đầu tiên tôi chứng kiến, quá sức tưởng tượng. Sóng và gió khủng khiếp, chỉ vài đợt sóng là ghe lật úp. Chúng tôi nạnh ai nấy bơi vào đảo. May mắn là không ai thiệt mạng". Sau bão, ông Thiệt trắng tay, gia đình sống đắp đổi qua ngày nhờ 30 công đất ruộng.

Ngay sau bão, ông Thiệt và những ngư dân khác ở cửa biển Sông Đốc được Nhà nước hỗ trợ vay tiền sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ. Ông Thiệt được vay khoảng 800 triệu đồng, đóng hoàn thiện ghe mới vào đầu năm 1998. "Nếu sau bão không được Nhà nước hỗ trợ vay vốn đóng ghe mới là tôi ở nhà làm ruộng luôn chứ không có vốn để theo nghề biển nữa. Thời điểm năm 1997 số tiền 800 triệu đâu phải là nhỏ", ông Thiệt tâm tình.

Khởi nghiệp lại từ đầu sau bão, công việc đánh bắt của ông Thiệt thuận buồm xuôi gió, những chuyến biển đầy ắp cá, tôm giúp đời sống kinh tế ổn định, tích góp đóng thêm ghe mới. Qua hơn 20 năm làm nghề biển, đến nay, ông Thiệt sở hữu 4 chiếc ghe câu mực: 1 chiếc có công suất máy 750 CV, vừa mới đóng với số tiền 9 tỷ đồng, đã xuất hành ra khơi được 1 con trăng; 1 chiếc 400 CV, 1 chiếc 330 CV và 1 chiếc 165 CV. Tư gia của ông Thiệt là căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, bên cạnh là căn nhà cấp 4 khá rộng rãi để chứa hàng và làm nơi cho công nhân vá lưới sau mỗi chuyến ra khơi.

Rút kinh nghiệm ứng phó với bão, những chiếc ghe ông Thiệt đóng sau này đều có công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại, đồng thời, tuân thủ tuyệt đối các thông tin dự báo bão. Ông Thiệt bày tỏ: "Hồi đó, do mình chủ quan, bị một lần là sợ lắm rồi. Bây giờ, khi ra khơi đánh bắt, mình theo dõi dự báo thời tiết, nắm được hướng di chuyển của bão nên dễ dàng tránh được. Nếu thấy ghe chịu được sẽ tiếp tục đánh bắt, không thì vào hòn trú ẩn hoặc chạy vào bờ".

Không bị thiệt hại về tài sản như ông Thiệt, nhưng cơn bão Linda là bài học xương máu giúp ông Trần Minh Đặng, Khóm 7, thị trấn Sông Đốc ý thức hơn trong việc đầu tư phương tiện, máy móc, trang thiết bị hiện đại cho các chuyến ra khơi sau đó.

"Chiếc ghe của tôi sử dụng trước bão số 5 có công suất 33 CV, dài 4 m. Khi bão xảy ra, ghe tôi không nằm trong vùng có bão, chỉ bị ảnh hưởng gió khoảng cấp 5, cấp 6. Ghe đang chạy vào bờ thì gặp chiếc ghe của anh bạn hàng xóm đang bị chết máy nên ghe tôi phải kéo thêm ghe bạn, càng chạy gió càng đẩy ra xa. Lúc đó tôi ở nhà, do ghe chỉ trang bị máy điện tầm gần nên mất liên lạc, khoảng một tuần sau bão, 2 chiếc ghe mới vào được bờ", ông Đặng nhớ như in lần may mắn đó.

Sau bão, ông Đặng bán ghe nhỏ, đóng lại 2 chiếc ghe câu mực công suất 250 CV, hoạt động đến nay. Ông Đặng so sánh: "Bây giờ ghe biển được trang bị hiện đại hơn hồi trước nhiều, nào là máy dò cá, máy định vị, máy điện đường dài giúp thông tin liên lạc xa hơn... nên việc phòng chống bão chủ động hơn. Ngoài ra, chính quyền địa phương, đồn biên phòng và các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, diễn tập phòng chống bão nên ngư dân ngày càng ý thức hơn trong hành trình đánh bắt trên biển".

20 năm cơn bão trôi qua, dù đời sống kinh tế của ngư dân ngày càng ổn định, nhưng nỗi đau do bão gây ra vẫn còn hằn sâu trong trái tim của những người vợ mất chồng, người mẹ mất con.

Gia đình bà Lê Thị Út, sinh năm 1950, ngụ Khóm 2, thị trấn Sông Đốc, có 4 người con trai thiệt mạng trong cơn bão số 5. "Hơn 1 tuần túc trực ngoài cửa biển để tìm xác con, đến chuyến tàu cuối cùng cũng không thấy đứa nào. Tôi như người tâm thần, nhìn đâu cũng thấy mấy đứa nó, nhớ từng lời nói, cử chỉ trước khi chúng nó ra biển lần cuối. Nhớ thằng Út, năm đó nó mới 13 tuổi, năn nỉ tôi cho đi chung với mấy anh chuyến biển đầu tiên trong đời nó, hứa là chỉ ngồi trong khoang thôi chứ không ra mép ghe để mẹ lo lắng. Vậy mà, nó đi luôn không quay lại", bà Út nước mắt giàn giụa, nhớ lại.

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ nằm trong hẻm sâu, vợ chồng bà Út sống cùng 2 người con trai, cũng đang làm ngư phủ. Bà Út tâm sự: "Sống ở xứ biển không làm nghề biển biết làm gì bây giờ. Tôi thật sự bị ám ảnh khi 2 đứa con trai còn lại vẫn tiếp tục bám biển. Mỗi khi nó đi biển là tôi ở nhà thắp nhang cầu nguyện cho anh em nó bình yên vô sự, cầu cho đừng có bão. Khi nghe tin báo bão là tôi mất ăn mất ngủ, đến khi nào thấy con về tôi mới yên tâm".

Cơn bão đi qua, ngư dân ngày càng ý thức hơn trong việc ứng phó với bão khi đánh bắt trên biển bằng cách trang bị những thiết bị hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn tránh, trú bão của ngành chức năng. Dù bao phen cuồng nộ, biển cho con người vay và lấy lại nhiều thứ, nhưng có một tài sản biển cho đi mà không lấy lại từ con người đó là niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn. Những ngư dân như ông Thiệt, ông Đặng hay 2 con của bà Út vẫn bám biển để cuộc sống ngày càng phồn vinh./.

Kiều Oanh

赞(67526)
未经允许不得转载:>88Point » 【tỷ số bdn】Biển vẫn mãi là nguồn sống