Dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu của Fimex |
Tăng thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), qua một năm ảnh hưởng đại dịch Covid -19 chi phối, cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Hai tháng đầu năm nay có 67 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái có 63 thị trường. Trong đó, có nhiều thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam có mức tăng đột biến, như: Australia tăng 115%, Bỉ tăng 139%, Nga tăng 109%, Chile tăng 352%, Campuchia tăng gấp 30 lần…
Như top 10 năm trước (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Canada, Anh, Đức, Hongkong), đã có thêm Hà Lan thế chân cho Singapore, sau khi XK sang Hà Lan tăng mạnh 27%, trong khi XK sang Singapore giảm lao dốc 97%.
Hai tháng đầu năm nay, ngoài các nước như tóp 10 năm trước, vị trí trong top 10 thị trường tôm có sự thay đổi bởi sự đột phá trong giá trị XK sang các thị trường Mỹ, Australia, Canada, Đức, Hà Lan (tăng lần lượt 14%, 115%, 14%, 20% và 27%) và sự chững lại của thị trường Nhật, Anh, Hong kong (giảm lần lượt 6%, 75% và 29%).
Australia vào top 4 thị trường XK tôm Việt Nam Đáng chú ý là sự tăng tốc tôm XK sang Australia đã đưa thị trường này từ vị trí thứ 10 vào top 4 chỉ sau Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Hai tháng đầu năm 2020 có 35 công ty tham gia XK tôm sang thị trường này, sau 1 năm đã có thêm 12 công ty nữa cùng XK tôm sang Australia.
Số doanh nghiệp XK tăng cùng với kim ngạch XK của các công ty lớn tăng là yếu tố mang lại kết quả khả quan cho XK tôm sang Australia. Trong đó, riêng Minh Phú đã chiếm 37% tổng XK tôm Việt Nam sang Australia và có doanh số tăng vọt 159% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Minh Phú, CASES, Agrex Sài Gòn, SEAVINA, Thủy sản Quang Minh, Thủy sản Hải Sáng, O&H LOONG PTY… trong 2 tháng đầu năm nay còn có Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng nằm trong top 10 doanh nghiệp XK tôm sang Australia. XK tôm sang Australia tăng trưởng ngoạn mục chủ yếu nhờ tôm chân trắng, tăng 192% và chiếm 92% tổng giá trị XK tôm, trong khi XK tôm sú giảm 3,7% và chỉ chiếm 1,4% XK, còn lại là các loại tôm khác chiếm 6,5%, giảm 2% XK.
Các sản phẩm tôm chính XK sang Australia trong 2 tháng đầu năm gồm: Tôm thẻ tươi lột vỏ, bỏ đầu, còn đuôi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng PD tươi đông lạnh… Đáng chú ý là ngoài các sản phẩm truyền thống, 2 tháng đầu năm nay Australia nhập khẩu nhiều tôm khô của Việt Nam (giá trị 81 triệu USD), trong khi cùng kỳ năm ngoái thị trường này không nhập tôm khô.
Kỳ vọng từ thị trường EU
Các chuyên gia dự báo, trong quý 1/2021, giá trị XK tôm sang EU tiếp tục tăng trưởng dương hai con số nhờ sự phục hồi của nhiều nền kinh tế, trong đó nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường ở Bắc Âu cũng đã tăng trưởng mạnh so với năm 2020.
Hà Lan là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm tỷ trọng 28% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU và chiếm 3,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Hiện nay có 65 doanh nghiệp Việt Nam XK tôm sang Hà Lan. Việt Nam chủ yếu XK sang Hà Lan những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh…
Tiềm năng là vậy, song hiện nay, doanh nghiệp XK cũng đang gặp một số khó khăn, do thiếu nguồn tôm nguyên liệu cung ứng cho hoạt động nhà máy. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đi thị trường các nước EU còn than phiền tình trạng xuất khẩu hàng thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, giá cước vận tải hàng container, nhất là cước tàu đi EU cao quá bất bình thường, tăng gấp 3-4 lần. Mức bình thường 1800 USD/container nay tăng lên 7.800 USD/container. Mới đây, một số hãng tàu vận tải thông báo giảm chi phí nhưng lại thiếu container rỗng. Trong khi cước tàu vận tải hàng xuất đi các nước EU lại báo tăng tiếp tục thêm 200-300 USD/container. Các doanh nghiệp XK thủy sản đang mong ngóng tình hình dịch bệnh ổn định, trông chờ chuỗi logistics thế giới sớm trở lại bình thường để tiếp tục tăng tốc XK mặt hàng chủ lực này./.