Làm gì để “phá băng” sức ỳ trong cổ phần hóa, thoái vốn? - Bài 4: Nên tách bạch việc bán vốn và thu hồi nợ để tránh mất vốn Nhà nước | |
Làm gì để “phá băng” sức ỳ trong cổ phần hóa, thoái vốn? - Bài 3: Cổ phần hóa nhìn từ TP Hồ Chí Minh | |
Bài 2: Thoái vốn, cổ phần hóa EVN: Vướng vì quá "lắm mối" tham gia | |
Bài 1: Nhiều hệ lụy nếu tiếp tục chậm cổ phần hóa, thoái vốn DNNN |
Thưa ông, có thể nói, cổ phần hóa và thoái vốn là công cụ hữu hiệu để đổi mới, sắp xếp lại hoạt động của các DNNN. Thời gian qua, với vai trò tham mưu, Bộ Tài chính đã làm khá tốt việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai hoạt động này, mang lại nhiều lợi ích. Xin ông chia sẻ về những tác động tích cực đó?
Điều đầu tiên phải thừa nhận là nhận thức đã thay đổi. Nhận thức của các cơ quan đại diện, chủ sở hữu và DN tuân thủ, bảo đảm theo đúng nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đã phân tích rõ được các nhiệm vụ nào thuộc quá trình cổ phần hóa, nhiệm vụ nào thuộc hoạt động thường xuyên của DNNN để gắn với tiến độ, trách nhiệm của người đứng đầu DN.
Khi xây dựng cơ chế chính sách và bám sát theo Nghị quyết Trung ương của Đảng, chúng tôi đã rà soát lại và thấy những tồn tại trong vấn đề quản lý tài sản đất đai. DN nói chung, DNNN nói riêng phải thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản đất đai đúng quy định về pháp luật đất đai (cụ thể hiên nay là Luật Đất đai năm 2013). Do đó, công tác rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất đai là một công việc thường xuyên của DN khi DN quản lý tài sản này. Các DNNN chưa hoàn thành sắp xếp, xác lập quyền sử dụng đất theo tên pháp nhân mới phải tổ chức thực hiện đúng quy định Luật Đất đai. Qua rà soát cho thấy có những DNNN đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước theo Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và Luật DN nhưng giấy tờ quản lý nhà, đất vẫn mang tên là DNNN theo Luật DNNN năm 2003. Do các DN không chấp hành nghiêm pháp luật đất đai nên khi thực hiện cổ phần hoá DN - chuyển đổi sở hữu nhà nước sang đa sở hữu nên bắt buộc phải làm rõ ràng phương án sử dụng các cơ sở nhà, đất trước khi thực hiện khâu đầu - khâu chuẩn bị của tiến trình cổ phần hoá DNNN. Có nghĩa là từ khâu đầu tiên phải thực hiện đúng pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, khâu chuẩn bị cổ phần hóa là rất quan trọng, không phải khi DN cổ phần hóa mới làm mà một DNNN đang hoạt động SXKD bình thường có trách nhiệm phải làm- đây là nhiệm vụ thường xuyên của DNNN. Một trong những thông điệp của Luật Quản lý tài sản công, Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai là yêu cầu DNNN phải chủ động sắp xếp. Nếu DN sắp xếp đúng theo đúng quy định của Luật Đất đai, công khai, minh bạch thì khi có quyết định cổ phần hóa, chúng ta bảo đảm tiến độ sẽ rất nhanh.
Vấn đề thứ hai trong tổ chức thực hiện, với quy định mới cho phép các công ty tư vấn không bị khống chế về chi phí, không khống chế về cung cấp dịch vụ là DN tư vấn trong nước hay ngoài nước, cho nên việc tính đúng, tính đủ giá trị DN của các tư vấn được nâng cao lên. Thực tế khi áp dụng quy định mới về cổ phần hoá khi DN bán cổ phần đều có giá trị cao hơn giá trị sổ sách, giá trị mệnh giá, kết quả thu về cho nhà nước từ nguồn thu thặng dư là rất hiệu quả . Ví dụ như 3 DN cổ phần hoá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bán được hơn 16.000 tỷ đồng, thặng dư 7.000 tỷ đồng thu nộp NSNN.
Trong công tác thoái vốn chúng ta cũng có những thương vụ lớn như Sabeco, Vinamilk. Đây là điểm thành công.
Vấn đề thứ ba là nhiều DN sau khi cổ phần hóa như Tập đoàn Cao su cũng mạnh dạn niêm yết lên thị trường chứng khoán TP HCM, rồi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tất cả các đơn vị này đều đăng ký và niêm yết. Khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, chúng ta thấy giá trị của DN được thị trường phản ánh, đặc biệt là DN bắt buộc phải thực hiện theo quy định về quản trị DN của công ty niêm yết. Đây là sân chơi có sự giám sát của thị trường để bảo đảm minh bạch, bảo đảm đồng tiền được sử dụng hiệu quả.
Điều quan trọng nhất là giá trị vốn nhà nước được thị trường công nhận, khi chúng ta có thoái vốn thì có sự so sánh. Chúng tôi cho rằng các tập đoàn, tổng công ty này, đích đến của họ chắc chắn là sẽ như hình ảnh của Công ty CP Sữa Việt nam (Vinamilk), Tập đoàn FPT, Công ty CP Dược Hậu Giang là những DN có giá trị gia tăng rất lớn trên thị trường và đi đầu trong vấn đề đổi mới quản trị DN.
Đây là một trong những tác động tích cực của cơ chế, chính sách trong thời gian qua, được đón nhận ở các DN, đặc biệt DNNN, DN sau cổ phần hóa đã thực hiện thấy đúng. Vừa qua, các DN dầu khí khi niêm yết trên thị trường chứng khoán như PV Power, PV Oil đã đem lại những dấu hiệu rất tích cực, không những cho DN mà cho cả thị trường khởi sắc. Đây là một trong những điểm tích cực, hiệu quả, không chỉ trong vấn đề nhận thức, không chỉ số tiền của nhà nước thu được tăng lên, không chỉ giá trị DN tăng lên mà còn đổi mới quản trị DN, đổi mới cách làm mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động tốt của DN trong tương lai. Chúng tôi cho rằng nếu làm đúng pháp luật, tiến độ cổ phần hóa sẽ rút ngắn được.
Như báo cáo thường kỳ mà Bộ Tài chính cũng như Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DNNN nêu ra thì tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của giai đoạn 2016-2020 đang ách tắc. Vướng mắc lớn nhất được chỉ ra hiện nay là quy định về phê duyệt phương án sử dụng đất và xác định giá trị DN trước khi quyết định cổ phần hóa. Vướng mắc này do đâu, thưa ông?
Trong vấn đề cổ phần hóa thời gian qua, khi thay đổi cách làm sẽ tập trung vào khâu rà soát đất đai trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, trên thực tế do cơ sở nhà, đất đai của khu vực DN nhà nước có số lượng nhiều, phạm vi lớn, cho nên việc rà soát, sắp xếp lại nếu không quyết liệt thì sẽ mất nhiều thời gian, sẽ kéo dài.
Nếu các DN không làm đúng theo quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn về sắp xếp nhà đất, làm sao trả lời cho người dân và xã hội là cơ sở nhà đất đó có sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả không? Nếu không hiệu quả phải trả lại cho chính quyền địa phương để đấu giá giao đất cho những thành phần kinh tế khác khai thác hiệu quả hơn.
Bất cập hiện nay là phối hợp giữa cơ quan đại diện sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố chưa được nhịp nhàng, đồng bộ. Ngay ở các thành phố lớn, khi cổ phần hóa DN trên địa bàn, nếu đồng chí Chủ tịch UBND thành phố - đồng thời là đại diện chủ sở hữu không quyết liệt thì các sở, ban, ngành cũng chậm. Hồ sơ đất đai liên quan nhiều đến các sở, ban, ngành. Chúng tôi cho rằng đến lúc phải tăng cường hơn trách nhiệm của các cơ quan giúp việc cho chính quyền địa phương, gắn trách nhiệm cán bộ, công chức thực thi công việc với tiến độ, kết quả xử lý hồ sơ của DN.
Bộ Tài chính đã có định hướng như thế nào để giải quyết bất cập này, thưa ông?
Trong thời gian qua, với chức năng cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi có đề nghị tất cả các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải chủ động phối hợp với UBND các địa phương và Bộ Tài chính trên cơ sở chỉ đạo, đôn đốc DN lập hồ sơ rà soát, sắp xếp các cơ sở nhà, đất hiện có của DN để phê duyệt theo đúng quy định pháp luật đất đai. Cơ quan, UBND tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất đai và gửi về cơ quan đại diện sở hữu, thống nhất và ra quyết định đất đai được công bố quy hoạch để tiến hành việc chuyển đổi cổ phần hóa hay tiếp tục sử dụng cho DN bao nhiêu nếu DNNN chưa cổ phần hóa.
Tới đây, trong hướng sửa của Bộ Tài chính đối với Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về quy định sắp xếp, xử lý tài sản công chúng tôi sẽ tiến hành phân cấp mạnh hơn, sẽ phân cấp trách nhiệm cho địa phương phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn cụ thể trình tự phê duyệt quy hoạch đất đai để các DN biết phải chuẩn bị bao lâu và từ đó DN lượng được thời gian, lượng được khối lượng công việc, được nguồn lực để DN làm. Đây là một trong những điều mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới DN chỉ đạo sát sao.
Nếu tháo gỡ được vấn đề này, chúng ta sẽ đẩy nhanh tiến độ về phê duyệt đề án sử dụng đất đai. Tôi cho rằng cơ chế chính sách đã đủ, cần thêm tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Làm tốt vấn đề sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Thực tế rất nhiều DN chủ động triển khai, nhưng trong quy trình làm có nhiều thủ tục, nhiều quy trình, nếu chưa thống nhất thì gây ra tiến độ chậm. Nhưng nếu quyết liệt làm, DN, lãnh đạo DN cũng như lãnh đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết tâm thì sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Từ 2016 đến nay, đã cổ phần hóa được hơn 160 doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn như: Tổng công ty phát điện 3 Genco 3, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Hàng hải, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam. Có doanh nghiệp quy mô lên tới hơn 10.000 tỷ đồng và là những thương hiệu lớn, những thương vụ lớn. Chỉ riêng việc thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco đã thu về cho nhà nước, ngân sách nhà nước hơn 100.000 tỷ đồng.
Chỉ trong 3 năm, tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 60% theo Nghị quyết của Quốc hội cho cả giai đoạn 2016-2020. Điều đó đã chứng tỏ chất lượng của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ 2016 đến nay đã được nâng lên rất nhiều.