Bế tắc giai đoạn đầu
Là người trực tiếp trao đổi,ểnkhaiCơchếmộtcửaQuốcgialĩnhvựcnôngnghiệpTừbĩcựctiếndầntớithábongda net làm việc với đại diện nhiều DN tham gia áp dụng NSW ở cả 9 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ NN&PTNT, điều mà phóng viên Báo Hải quan nhận thấy là hầu hết DN lẫn cơ quan quản lý Nhà nước đều gặp trục trặc, khó khăn ở giai đoạn đầu triển khai. Thậm chí, không ít DN còn cảm thấy bế tắc, mệt mỏi và mong có thể quay lại... hồ sơ giấy.
Thủ tục “Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản NK” theo NSW được chính thức thí điểm từ cuối tháng 7-2015. Tuy nhiên đến khoảng cuối tháng 10-2015, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện nhiều DN vẫn tỏ thái độ khá e dè. Bà Phạm Thị Quỳnh Như, nhân viên XNK Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam (Chi nhánh sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản) cho biết: DN bắt đầu tham gia triển khai NSW từ cuối tháng 9-2015 và cảm thấy khâu khai báo hồ sơ có đơn giản, thuận tiện hơn, song xét tới cùng thời gian từ khi khai báo hồ sơ cho tới khi DN nhận được giấy xác nhận chất lượng vẫn không khác biệt so với làm hồ sơ giấy (mất khoảng 20-30 ngày), có khi còn lâu hơn. Đặc biệt, tình trạng lỗi hệ thống xảy ra khá thường xuyên. DN khai báo hồ sơ đã gắn file đính kèm, tuy nhiên khi hoàn tất thì phía Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) lại không nhận được.
Đối với thủ tục “Cấp Giấy phép CITES cho các DN XK, NK, tái XK mẫu vật động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES”, tình hình thậm chí còn bi đát hơn. Được thí điểm từ ngày 15-11-2015, song sau gần 1 tháng đầu triển khai không hề có Giấy phép CITES nào được cấp thông qua cách làm này. Tại thời điểm đó, ông Lê Văn Cầu, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Da Tây Đô cho hay: Dù tích cực áp dụng NSW ngay từ thời điểm đầu song sau gần 1 tháng, DN chưa thực hiện khai báo thành công bất kỳ bộ hồ sơ nào, chứ chưa nói tới chuyện được cấp Giấy phép CITES. Nguyên do là sau khi DN khai báo đầy đủ thông tin thì hệ thống luôn báo lỗi, không thành công. DN đã thử khai đi khai lại nhiều lần, song kết quả vẫn không có biến chuyển.
Điển hình cho sự bế tắc phải kể tới quá trình áp dụng NSW đối với hai thủ tục "Cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản XK sản xuất tại cơ sở nằm trong Danh sách ưu tiên” và thủ tục “Kiểm tra, cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản XK sản xuất tại cơ sở nằm ngoài Danh sách ưu tiên”. Chính thức thí điểm từ ngày 1-4-2016 nhưng sát thời điểm này, khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện nhiều DN vẫn khá “lơ mơ”, thậm chí mong muốn lùi thời gian thí điểm sau ngày 1-4 bởi chưa nắm rõ cách làm mới.
Theo bà Hồ Bảo Trân, nhân viên Phòng Quản lý chất lượng, Công ty TNHH Hai thành viên 404: Sau lần tập huấn từ cuối tháng 12-2015, nhân viên của DN chỉ nắm được những yếu tố cơ bản nên nếu áp dụng thí điểm NSW từ ngày 1-4, DN sẽ rất lúng túng. Bên cạnh đó, DN nhận thấy hệ thống phần mềm vẫn trục trặc, dễ dàng xảy ra lỗi như khai báo không thành công, mạng bận không thể truy cập… Trên thực tế, ngày 1-4-2016 bắt đầu chính thức thí điểm thì ngay ngày 25-4-2016, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT đã phải phát đi thông báo tạm dừng triển khai thí điểm việc cấp chứng thư điện tử cho lô hàng thủy sản XK theo NSW, bởi việc kết nối chính thức hệ thống trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia gặp phải sự cố kỹ thuật. Hồ sơ đăng ký của DN không chuyển được đến Cổng thông tin một cửa Quốc gia, đồng thời hồ sơ từ Cổng thông tin một cửa Quốc gia không chuyển về được Hệ thống chuyên ngành của Bộ NN&PTNT.
Thông dần những ngày sau
Đến nay, sau chuỗi ngày chật vật, việc áp dụng NSW đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ NN&PTNT đã tương đối thuận lợi. Công ty TNHH Grobest Industrial (Việt Nam) là DN chuyên NK nguyên liệu sản xuất thức ăn cho tôm, cá với số lượng khá lớn khoảng 500 container/tháng, tương ứng số hồ sơ “Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản NK” của DN tháng cao điểm lên tới 35 bộ. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Đặng Thị Hồng Điệp, nhân viên XNK của Công ty cho biết: Tham gia triển khai NSW ngay từ những ngày đầu, DN nhận thấy hệ thống còn nhiều lỗi, trục trặc. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống vận hành khá tốt. Xét về mặt thời gian, khi mới triển khai thủ tục theo NSW, tổng số thời gian từ khi DN nộp hồ sơ cho tới khi hoàn tất toàn bộ thủ tục, DN có kết quả xác nhận chất lượng cho sản phẩm đạt để nộp cho cơ quan Hải quan nhằm giải phóng hàng hóa là khoảng 20-25 ngày, cũng chỉ tương đương với cách làm theo hồ sơ giấy. Tuy nhiên, hiện nay khi triển khai theo NSW, thời gian hoàn tất thủ tục này rút ngắn chỉ còn 10-14 ngày, góp phần giảm đáng kể thời gian giải phóng hàng hóa.
Liên quan tới thủ tục cấp giấy phép CITES dù hiện tại vẫn còn những khó khăn nhất định, song cũng đã ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt. Bà Phan Thị Nguyệt, chuyên viên Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tính đến ngày 5-7, tổng số hồ sơ đã và đang được xử lý trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia là 43 bộ, đã có 86 giấy phép CITES được cấp. Thời điểm ban đầu, chỉ có 2 DN tham gia triển khai thủ tục theo NSW, tuy nhiên sau quá trình hỗ trợ, tuyên truyền của Cơ quan quản lý CITES, tổng DN hiện đang tham gia đã tăng lên 5 DN.
Thủ tục cấp chứng thư cho hàng thủy sản XK cũng đạt được những bước tiến triển đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thúy Huỳnh, nhân viên kinh doanh của Công ty CP Chế biến thủy sản Út Xi (DN chuyên XK mặt hàng tôm thẻ chân trắng sang thị trường Trung Quốc với nhu cầu xin cấp chứng thư trung bình khoảng 15-20 chứng thư/tháng) đánh giá: Thời gian đầu, việc cấp chứng thư theo NSW gặp rất nhiều trục trặc, lỗi hệ thống. Tuy nhiên, hiện tại tình hình đã có cải thiện hơn. DN cũng dần quen với cách làm mới.
Đối với hầu hết các thủ tục còn lại, ở thời điểm hiện tại việc áp dụng NSW diễn ra tương đối ổn định, thông suốt. Kết quả này đạt được nhờ sự nỗ lực của cả đôi bên, bản thân DN cũng như cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Đặc biệt, suốt từ khi Bộ NN&PTNT bắt đầu triển khai NSW đến nay, khá nhiều DN đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ cơ quan Hải quan đối với các DN, nhằm đem lại hiệu quả tối đa.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện giải quyết 9 thủ tục hành chính đã áp dụng theo NSW trên hệ thống Cổng thông tin một cửa Quốc gia, không giải quyết bằng hồ sơ giấy kể từ ngày 1-10 tới. Đồng thời, các đơn vị chủ động triển khai mở rộng 9 thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa quốc gia các địa điểm (cửa khẩu hàng không, cảng biển, biên giới, chi cục, cơ quan vùng…) khác ngoài các địa điểm đã triển khai thí điểm thời gian qua.
Phải khẳng định, việc áp dụng các thủ tục theo NSW vẫn ít nhiều còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên sự chuyển biến sau cả quá trình dài, tiến tới là áp dụng hoàn toàn theo hồ sơ điện tử là kết quả rất đáng ghi nhận. Điều này đặt ra kỳ vọng, các DN sẽ ngày càng thuận lợi hơn nữa trong quá trình triển khai các thủ tục liên quan trong thời gian tới, góp phần tiết giảm tối đa thời gian, công sức phải bỏ ra, từ đó giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN.
Bộ NN&PTNN đã chính thức tham gia kết nối NSW từ tháng 6-2015 tại các đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. 9 thủ tục hành chính đã được áp dụng theo NSW gồm: Cấp Giấy phép CITES cho các DN XK, NK, tái XK mẫu vật động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES; Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản NK; Cấp phép NK giống cây trồng ngoài danh mục được phép sản xuất và kinh doanh; Cấp phép NK phân bón ngoài danh mục được phép sản xuất và kinh doanh; Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật NK, quá cảnh và vận chuyển nội địa; Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi NK; Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật XK; Cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản XK sản xuất tại cơ sở trong Danh sách ưu tiên; Kiểm tra, cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản XK sản xuất tại cơ sở ngoài Danh sách ưu tiên. |