Của ai - ai trả?
Mới đây, Cục thuế TP.HCM đã có văn bản đề nghị Grab phải cung cấp hợp đồng và các tài liệu có liên quan đến việc Uber chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền, thị phần kinh doanh. Ngoài việc cung cấp hợp đồng và các tài liệu có liên quan đến việc chuyển nhượng, Cục thuế TP.HCM yêu cầu Grab cũng phải xác định nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng này. Theo Cục thuế TP.HCM, hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền kinh doanh, thị phần kinh doanh tại Việt Nam của Công ty Uber B.V thuộc diện phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Do vậy, Cục Thuế TP.HCM lưu ý trách nhiệm của Công ty TNHH GrabTaxi trong việc kê khai nộp thuế đối với hoạt động nhận chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thị phần kinh doanh tại Việt Nam của Công ty Uber theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Cục Thuế TP.HCM cũng lưu ý với Grab rằng Uber vẫn còn đang nợ ngân sách. Thời hạn mà Grab phải cung cấp cho cơ quan Thuế chậm nhất là giữa tháng 4-2018. |
Trao đổi với Báo Hải quan, đại diện Grab Việt Nam cho biết, Uber đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế còn tồn đọng. Từ chối trả lời mọi vấn đề liên quan đến nợ thuế, đại diện Grab nói rằng “xin vui lòng gửi tới Uber”. Cùng với đó, Grab cũng khẳng định, việc mua lại mảng hoạt động của Uber tại Đông Nam Á không làm thay đổi loại hình doanh nghiệp cũng như tư cách pháp nhân của Grab tại Việt Nam là Công ty TNHH GrabTaxi. Do vậy, Công ty TNHH GrabTaxi vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành. Có vẻ như việc mua lại Uber không hề ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh cũng như tình hình “nợ nần” của doanh nghiệp này.
Khi Uber công khai bán mình cho Grab, cơ quan chức năng của Việt Nam nói rất nhiều đến chuyện doanh nghiệp mới phải kế thừa nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ. Đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng khẳng định, không có chuyện để thất thu 53 tỷ đồng nợ thuế của Uber và cho rằng do Grab chưa cung cấp hợp đồng chuyển nhượng thỏa thuận nên cơ quan Thuế cũng chưa có những bước tiếp theo. Còn về phía Uber, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này vẫn “im như thóc” và nợ vẫn hoàn nợ như tình trạng diễn ra nhiều tháng qua.
Căn cứ pháp lý nào?
Đứng dưới góc độ pháp luật, một số ý kiến cho rằng, về nguyên tắc khi giao dịch mua bán với Uber, Grab đã phải thỏa thuận tất cả yếu tố và khi chi trả cho Uber, Grab sẽ phải khấu trừ thuế. Tuy nhiên, điều này không thể cứ phán bừa được một khi hồ sơ thương vụ sáp nhập cùng với các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên chưa được làm rõ. Ngay cả các phân tích, nhận định của cơ quan chức năng cũng đang dựa trên các nguyên tắc, qui định chung chứ chưa chắc đã chính xác. Bởi, muốn có nhận định chính xác tình huống thì cần nắm rõ các điều khoản của thương vụ như thế nào trước đã.
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho rằng, với thương vụ của Grab và Uber, cần phải xem lại hợp đồng của họ có những điều khoản ràng buộc nào đối với các bên liên quan hay không? Trong trường hợp này, bên nào trả sẽ tùy thuộc vào hợp đồng chuyển nhượng quy định ai sẽ là người trả khoản thuế này. Tuy nhiên, dù cơ quan Thuế đã có văn bản gửi đến Grab, đề nghị báo cáo việc sáp nhập, cơ quan này vẫn chưa nhận được phản hồi. Cơ quan Thuế đang chờ báo cáo chính thức từ Grab, nên vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, trên cơ sở những thông tin tiếp cận được, nếu Uber Hà Lan nhất quyết không chịu nộp thuế, thì việc thu hồi số thuế nợ đọng đó là nằm ngoài khả năng của cơ quan Thuế và thậm chí là coi như bị mất trắng. Doanh thu mà Uber có được nhờ thu từ tài xế được chuyển thẳng về Hà Lan, nên đối tượng nợ thuế là Uber Hà Lan. Quản lý thuế, trong đó có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là hoạt động mang tính hành chính nhà nước, chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán mà Việt Nam có quyền. Các biện pháp hành chính của Chính phủ Việt Nam sẽ không có giá trị trên lãnh thổ của quốc gia khác.
Ở một khía cạnh khác, việc Grab cho rằng không có trách nhiệm nộp khoản nợ thuế của Uber cũng mới là ý kiến từ một phía. Để chứng minh rằng theo thỏa thuận, phía Uber nhận trách nhiệm tự giải quyết vấn đề nợ thuế, thì chí ít Grab cũng phải chứng minh được trên cơ sở một văn bản nào đó có thỏa thuận giữa hai bên trong bối cảnh phía Uber im hơi lặng tiếng. Văn phòng Uber thì đã đóng cửa nhiều ngày nay, bộ máy nhân sự Uber tại Việt Nam thì hầu hết đã giải tán.
Rõ ràng, việc thu thuế của Uber thực sự không dễ dàng. Nếu làm được thì cơ quan chức năng đã làm ngay khi Uber vẫn còn hoạt động tại Việt Nam chứ không chờ đến tận bây giờ. Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, đại diện Tổng cục Thuế vẫn khẳng định, cơ quan Thuế đang tích cực giải quyết và ngân sách nhà nước sẽ không bị thất thu khoản thuế này.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: Vấn đề cần xác định nhất ở đây là vai trò của Grab trong vụ việc này. Grab cần phải chứng minh được rằng "không phải trách nhiệm của tôi". Sau khi đã chứng minh được như vậy, vai trò của Grab cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy Uber giải quyết cho xong vấn đề nợ thuế. Vì dù sao, Uber hiện cũng nắm đến 27,5% cổ phần và CEO Uber cũng nằm trong ban điều hành tại Grab. Nếu cứ “bỏ lửng” khoản nợ thuế của Uber thì ít nhiều sự điều tiếng cũng gây tiêu cực lan truyền ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Grab trong bối cảnh lâu nay Grab luôn chọn cách tuân thủ nghĩa vụ thuế tại thị trường Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hưng, Công ty Luật The Light: Trong trường hợp Grab Việt Nam không trưng ra được cơ sở chứng minh Uber nhận trách nhiệm giải quyết khoản nợ thuế, thì khả năng Grab sẽ phải gánh chịu việc nộp khoản nợ thuế còn lại chiếu theo các qui định hiện hành. Cơ quan Thuế hoàn toàn có quyền đưa ra thời hạn cụ thể để Grab trình bằng chứng chứng minh, nếu không đáp ứng được thì có thể bị áp dụng các biện pháp chế tài. Grab có pháp nhân tại Việt Nam thì việc chế tài, xử lí cũng thuận lợi và dễ dàng hơn cho các cơ quan chức năng. T.L (ghi) |