| Công nhân khu công nghệ cao TPHCM tham gia tiêm chủng vắc xin Covid-19 ngày 19/6/2021. |
Tín hiệu tốt từ khu công nghệ cao Việc phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp được thể hiện rõ nhất ở các khu công nghệp, khu chế chế xuất. Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) một trong những nơi thí điểm phục hồi sản xuất của TPHCM, gần như toàn bộ doanh nghiệp trong SHTP đã tái sản xuất. Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý SHTP trong số này, có 50% doanh nghiệp sản xuất với công suất chỉ khoàng 50%, số còn lại phục hồi ở mức 75%. Theo lộ trình của các doanh nghiệp dự kiến đến hết tháng 11 sẽ phục hồi 100% công suất sản xuất. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp mất khoảng 20% đơn hàng xuất khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp cho rằng việc phục hồi sản xuất 100% rất quan trọng, giúp doanh nghiệp giải quyết lượng đơn hàng tồn đọng nhiều tháng qua. Đồng thời, nhận thêm đơn hàng mới để tăng tốc xuất khẩu vào cuối năm, cũng như quý 1/2022. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Quản lý SHTP nhận định, những tháng còn lại của năm 2021, hoạt động các doanh nghiệp sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, SHTP tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định, đảm bảo giá trị sản xuất cả năm 2021 trên địa bàn giảm ở mức tối thiểu, khoảng từ 10 đến 15% so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn giữ giá trị sản xuất đạt 22,5 tỷ USD. Hiện các tập đoàn lớn tại SHTP, như: Samsung, Intel, Nidec Sankyo… đang kết nối chặt chẽ với ban quản lý cũng như các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thiện phương án phòng chống dịch trong nhà máy để nhanh chóng phục hồi hoàn toàn sản xuất. Dự kiến cuối tháng 11, các đơn vị sẽ nâng công suất sản xuất lên 100%. Đây là tín hiệu rất tốt từ các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của TPHCM. Điều chỉnh kế hoạch Theo thống kê của TPHCM, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 0,4% so với tháng trước và giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng lực lượng lao động giảm 22,1% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số lao động giảm so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 44,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 32,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 31,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 26,8%... Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, TPHCM có tổng số hơn 4,7 triệu lao động đang làm việc, trong đó có trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh; hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh. Từ tháng 7/2021, TPHCM đã phối hợp với các địa phương đưa trên 33.000 người về 34 tỉnh, thành; chưa kể những người đã tự về quê chưa được thống kê, khiến doanh nghiệp vốn đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu lao động. Từ thực tế trên, doanh nghiệp đã phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Với phần lớn các doanh nghiệp, những kế hoạch kinh doanh sản xuất dù ngắn hạn cũng thường được dự trù trước ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, các đợt bùng phát liên tục của Covid-19 đã khiến việc này thay đổi rõ rệt. Theo chia sẻ của ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk, thực trạng này buộc các doanh nghiệp phải linh động thay đổi, từ kế hoạch 6 tháng đến 1 năm chuyển thành kế hoạch dưới 3 tháng. Ban lãnh đạo phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên cập nhật tình hình thị trường nhằm đưa ra những quyết định kịp thời. Theo phân tích của bà Lê Hằng, Phó Giám đốc VASEP.PRO, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu hồi phục. Với tín hiệu này, các doanh nghiệp đang kỳ vọng từ tháng 10, xuất khẩu sẽ khả quan hơn khi “mở cửa” ở TPHCM cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất. Tuy đã phục hồi sản xuất, nhưng các doanh nghiệp chưa thể tăng tốc ngay được do thiếu lao động, thiếu nguồn tài chính, nguyên liệu... Theo dự báo của VASEP, trong trường hợp Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp tại các địa phương sản xuất thủy sản trọng điểm, trong tháng 10 xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giảm ít nhất 25% so với cùng kỳ. |