(CMO) Đây là vấn đề mà Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đặc biệt nhấn mạnh tại phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 10/2019 diễn ra vào chiều 01/11. Đánh giá về những tồn tại, vướng mắc, yếu kém trong hoạt động của bộ máy công quyền, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, một số đơn vị, địa phương còn chưa có ý thức tuân thủ quy chế làm việc của UBND tỉnh, có nơi áp dụng một cách tuỳ tiện, thậm chí là sai lệch dẫn đến hiệu lực, hiệu quả làm việc của bộ máy công quyền còn hạn chế. Bên cạnh đó, phiên họp tập trung vào các nội dung về giải ngân vốn đầu tư công, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của từng ngành, từng địa phương trong giai đoạn cuối năm.Phiên họp đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện quy chế làm việc của UBND tỉnh trong thời gian qua. Việc tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong một số trường hợp còn chậm, chất lượng chưa cao; một số trường hợp việc hướng dẫn và triển khai thực hiện văn bản chưa đảm bảo tiến độ theo quy định. Việc nhiều dự án, nhiệm vụ phải chia ra từng giai đoạn để thực hiện dẫn đến thiếu kịp thời, đồng bộ; ngoài ra, cũng có khi phát sinh bất cập về cơ sở pháp lý từ các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương nên phải mất thêm thời gian để kiến nghị điều chỉnh hoặc xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Các nhiệm vụ triển khai mới chủ yếu dừng lại ở việc xây dựng, ban hành các văn bản, việc thực hiện trên thực tế còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Còn có trường hợp văn bản do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh gửi lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh nhưng văn bản tham gia góp ý không được thành viên UBND tỉnh trực tiếp ký mà do cấp phó ký thay hoặc Chánh Văn phòng ký thừa lệnh. Một số Ủy viên UBND tỉnh chưa thực hiện đi cơ sở định kỳ theo quy định và chưa chủ động xây dựng kế hoạch trước, thường kết hợp với các buổi họp, làm việc ở cơ sở để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về ngành, lĩnh vực đang quản lý, phụ trách. Một số văn bản có nội dung phức tạp nhưng thời gian lấy ý kiến quá ngắn, do đó, không có đủ thời gian để nghiên cứu toàn diện vấn đề, dẫn đến các ý kiến đóng góp có chất lượng không cao.
Còn tình trạng thủ trưởng sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính, giải quyết hồ sơ trễ hạn, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh đối với cấp dưới, còn để xảy ra tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Còn cơ quan tham mưu, đề xuất còn chậm, không đảm bảo yêu cầu, chất lượng, chưa chủ động phối hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan để thống nhất trước khi báo cáo, đề xuất; một số cơ quan, địa phương được gửi lấy ý kiến còn chậm có văn bản phản hồi gửi về cơ quan chủ trì hoặc chỉ tham gia chiếu lệ, hình thức, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì. Trong một số trường hợp, các cuộc họp do các sở, ngành, địa phương tổ chức, thủ trưởng sở, ngành, địa phương liên quan được mời đã cử người tham gia không đúng thành phần, không nắm vững chuyên môn nên không thể hiện được chính kiến của cơ quan, đơn vị. Từ đó đã ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ tham mưu, đề xuất. Một số cơ quan tham mưu tổng hợp xử lý công việc chuyên môn còn chậm như công tác thẩm định, thẩm tra các dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc công tác thẩm tra, cấp chứng nhận đầu tư,… Một số trường hợp chưa thực hiện đúng quy định về thủ tục trình giải quyết công việc như hồ sơ trình UBND tỉnh chưa kèm theo ý kiến của các cơ quan đơn vị có liên quan nên khi nhận được văn bản, Văn phòng UBND tỉnh phải tham mưu ban hành văn bản chuyển các cơ quan chức năng liên quan xem xét, có ý kiến, mất thời gian và làm tăng khối lượng công việc phải xử lý tại Văn phòng UBND tỉnh. Một số cơ quan, đơn vị khi tổ chức một số cuộc hội nghị vẫn chưa xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh. Trong một số trường hợp, nhiều sở, ngành tổ chức cùng lúc nhiều cuộc họp mời lãnh đạo sở, ngành, địa phương tham dự, do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau Phan Hoàng Vũ nêu ý kiến: “Nên giảm bớt các cuộc hội họp không cần thiết. Trên thực tế, có nhiều thời điểm thành phố không đủ lãnh đạo để tham gia các cuộc họp, chứ chưa nói gì đến giải quyết công việc”. Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho rằng: “Trong việc bố trí các cuộc họp nên khoa học hơn, có thông tin sớm hơn để tránh gây ảnh hưởng đến lịch làm việc của các đồng chí lãnh đạo huyện. Thậm chí có ngày có đến 4, 5 cuộc họp”. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện chưa đúng quy định về công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng tiếp cận kịp thời, chính xác nguồn thông tin xảy ra trong ngành, lĩnh vực mình quản lý tại địa phương. Do đó, một số cơ quan báo chí thiếu thông tin nên đưa tin, phản ảnh chưa chính xác, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, địa phương. Hội nghị cũng đã thông tin về Nghị quyết số 94/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được xác định là 1 trong những điểm nghẽn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế. Riêng Cà Mau, phấn đấu trong thời gian còn lại của năm 2019 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi lưu ý về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi yêu cầu, đến 10/11 phải tập hợp hết tất cả các dự án gặp khó khăn và phân loại theo nhóm vấn đề vướng mắc của tỉnh Cà Mau để UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Sẽ có chế tài đối với kết quả giải ngân vốn đầu tư công đối với từng cấp, từng ngành, từng cá nhân. Kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các sai phạm liên quan đến các dự án trên địa bàn tỉnh. Quốc Rin
|