Tính đến ngày 28/7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 3,45% so với cuối năm 2019, cao hơn 0,2% so với cuối tháng 6 và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (7,13%), chạm đáy 7 năm gần đây. Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh hiện nay đang ở mức thấp, dù nhiều gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi được đưa ra. Các ngân hàng cũng không hạ tiêu chuẩn cho vay do e ngại rủi ro, dè dặt hơn trong việc cung ứng vốn ra thị trường nhằm giữ chất lượng tài sản chống chọi qua thời gian khó khăn. Với mức tăng trưởng thấp như vậy, vào đầu tháng 7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm nay tinh thần của NHNN là chủ động điều chỉnh tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, nên NHNN đã điều chỉnh một loạt chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng thương mại, những ngân hàng nào lành mạnh, tín dụng đổ mạnh vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế thì có thể được điều chỉnh cao hơn nhu cầu. Chính vì thế, báo cáo của BSC cho biết, nhiều ngân hàng đã được nới chỉ tiêu thêm chục điểm phần trăm. Nổi bật nhất là VIB được nới thêm 8,5-12,5 điểm phần trăm so với hạn mức ban đầu, trong khi TPBank tăng 7,5-11,5 điểm phần trăm, HDBank thêm 7-122 điểm phần trăm; VPBank và Techcombank được nâng 6-10 điểm phần trăm, MB cũng được điều chỉnh thêm 8,25%. Theo đó, "room" tín dụng của các ngân hàng đã được nâng lên mức 19-23%. Trước đó, chỉ tiêu tín dụng của các ngân hàng được NHNN phê duyệt như sau: VIB 10,5%; HDBank 11%; TPBank 11,5%; Techcombank và VPBank cùng mức 13%. Tuy nhiên, một số ngân hàng không nâng “room” bao gồm 3 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank 10%, BIDV 9%, VietinBank 8,5%) và ACB (11,75%), Eximbank (9%). Ngoài ra Agribank cũng không xin nâng chỉ tiêu tín dụng. Quan sát kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng này cho thấy, đặc điểm chung là có tình hình tài chính lành mạnh và khả năng tăng trưởng tín dụng khá tốt, đã chạm chỉ tiêu NHNN cấp hồi đầu năm. Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng của Techcombank đã đạt 13%, HDBank là 11%, VIB là 10,5%, TPBank đã dùng hết 11%... Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, từ nay đến cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tiêu dùng được kích thích thì nhu cầu vốn sẽ tăng theo. Vì vậy, việc nới "room" tín dụng sẽ tạo thêm dư địa để các ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó vực dậy nền kinh tế. Hơn nữa, NHNN còn đưa ra nhiều nhiều chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng và nền kinh tế như giảm lãi suất điều hành, tạo hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, BSC cho rằng, các ngân hàng được nới “room” tín dụng tuy tỷ lệ tương đối cao nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì không tác động lớn tới chỉ tiêu toàn hệ thống, do tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm 4 ngân hàng quốc doanh. Các chuyên gia của BSC dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay sẽ ở mức 9% trong năm 2020. |