(CMO) “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mặc dù tập tục ăn trầu không còn phổ biến, nhưng ngày nay trầu cau vẫn được dùng trong việc cúng kiếng (cúng bà, cúng mụ, cúng tổ tiên, đất đai dương trạch…); đặc biệt, trong sự kiện trọng đại của đời người, đó là việc kết hôn.
“Trầu nầy khấn nguyện tơ hồng
Trầu nầy kết nghĩa loan phòng từ đây!”
(ca dao)
Có lẽ xuất phát từ nội dung câu chuyện trong "Sự tích trầu cau" là nhắc nhở con người về sự thuỷ chung nên mâm trầu nhất thiết phải có trong lễ ăn hỏi và lễ cưới để thể hiện ước vọng hạnh phúc.
Cũng vì vậy, ở TP Cà Mau vẫn tồn tại một chợ trầu cau mấy chục năm qua (hiện nằm tại đường Trưng Trắc, Phường 2, cặp cầu Cà Mau).
“Chợ trầu cau” là cách gọi của nhiều người, chứ thật ra giờ chỉ còn 4 sạp bán mặt hàng này. Bà Trang Thị Cẩm Liễu, 60 tuổi, có thâm niên bán trầu 40 năm qua, nhớ lại: “Hồi đó có tới mấy chục người bán trầu cau, trong đó có nhiều người từ miền Trung, miền Bắc vào. Người ta bày bán bằng xịa, thúng, ngồi rải rác dọc từ gần Chùa Bà dài tới gần Cầu Cũ (cầu Phan Ngọc Hiển - PV). Lúc đó bán trầu cau được lắm. Xóm tôi dưới Phường 1, trong hẻm chùa Khmer có bà chị gánh nước mướn, thấy cực quá tôi rủ đi bán trầu. Bán được, chị bỏ luôn nghề gánh nước, còn kéo thêm mấy người em đi bán”.
Bà Trang Thị Cẩm Liễu có thâm niên bán trầu cau 40 năm qua. |
Với bà Liễu, bán trầu cũng là một cơ duyên. Ban đầu bà gánh trầu mướn cho cặp vợ chồng già ở xóm ra chợ bán. “1-2 giờ khuya đã đi. Buổi trưa, tầm 11-12 giờ lại ra dọn hàng gánh về. Hồi đó đường còn bịt bùng khó đi, gánh ra rồi một mình đâu dám về, vậy là phải ngồi đợi đến sáng. Nhiều lần như vậy, tôi nói với bà chủ đem theo xịa tôi bỏ trầu ra bán phụ. Dần dần mê bán rồi theo nghề luôn”, bà kể.
Cũng từ bán trầu, bà gặp và nên duyên anh con trai là chủ vườn trầu ở U Minh hay mang trầu ra bỏ mối. Vợ chồng bà từ nghề bán trầu mà nuôi 5 người con ăn học, trưởng thành.
Trước đây trầu cau thường lấy mối từ trong tỉnh, nhưng giờ số lượng tiêu thụ hạn chế nên các nhà vườn chuyển đổi cây trồng. Thêm nữa, một số nơi chuyển dịch sang nuôi tôm, nước mặn vào vườn trầu không giữ được. Giờ đây trầu được lấy mối từ Vị Thanh, Vị Thuỷ (tỉnh Hậu Giang). Cau thì lấy từ Tắc Cậu (Kiên Giang) hoặc Sóc Trăng. “Hồi đó ngồi dưới dạ cầu, chính quyền sợ sập cầu nên dời qua đây, lên sạp khang trang hơn. Hàng thì 1-2 ngày lấy 1 lần, chỉ cần điện thoại đặt là lái gửi xe xuống, tiền thì chuyển khoản. Bán buôn bây giờ khoẻ hơn trước nhiều”, bà Liễu cho biết.
Theo thời gian, số người bán trầu vì tuổi cao qua đời, có người già yếu nghỉ bán. Và cũng do lớp người sau này không ăn trầu như trước nên nhiều người chuyển sang nghề khác, giờ chợ trầu cau con số trụ lại chưa đầy bàn tay.
Cũng vì ít người bán nên lượng tiêu thụ cũng khá. Câu chuyện của chúng tôi cứ bị gián đoạn bởi liên tục có người ghé mua trầu cau đi mâm, người mua cho các cụ già ăn, người mua cúng, người mua làm thuốc... Bà Cao Kim Khuyến cho biết, cả năm nay, người ta đồn có bài thuốc chữa bệnh gút từ lá trầu (100 gram lá trầu thái bỏ vào trái dừa ngâm rồi uống), nên người tới mua trầu cũng nhiều hơn.
Bà Khuyến năm nay đã 63 tuổi, cũng có thâm niên bán trầu khoảng 40 năm qua. “Lúc đó sau giải phóng, ban đầu theo phụ mẹ bán, dần dần bà lớn tuổi mình bán thay”, bà nói.
Theo các chủ sạp, trầu bán mạnh nhất vào mùa cưới, từ tháng 11, tháng Chạp và tháng Giêng, tháng Hai. Có ngày ít thì vài mâm, ngày lành tháng tốt bán 7-8 mâm, có khi đến hơn chục mâm. Bắt đầu từ 6 giờ sáng, các sạp dọn bán đến 6 giờ chiều. Những hôm bán đắt, cả ngày các chủ sạp loay hoay cắt tỉa, gói, xếp, bán không nghỉ tay.
Mâm trầu, buồng cau không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của người Việt. |
Quanh chuyện trầu cúng, mâm trầu đám cưới cũng có nhiều điều thú vị. Bà Khuyến chia sẻ: "Chẳng hạn, cúng mụ bà thì phải 12 lá trầu têm (có đuôi), cúng đất đai 6 lá têm (cũng có đuôi), trầu đi mâm thì têm rồi gói lại (không đuôi). Thường người khác vùng miền, khác dân tộc, mâm trầu cũng không giống nhau. Người miền Bắc thì mâm trầu phải 105 lá, trầu têm 5 lá, cả buồng cau 105 trái, tượng trưng “trăm năm hạnh phúc”. Người Hoa thì 24 trái cau, 240 lá trầu, trầu têm 4 lá. Người miền Nam thì cứ mâm trầu 4 ốp (mỗi ốp 40 lá) và 1 chục cau (14 trái), trầu têm 4 lá.
Cũng chính vì số lượng trầu cau không giống nhau, đồng thời cũng đòi hỏi sự sáng tạo, kiểu dáng trong việc xoay (xếp) mâm trầu mà giá cả cũng khác nhau. Những mâm trầu đơn giản, lượng trầu cau ít, có giá từ 100.000-120.000 đồng. Mâm lượng trầu cau nhiều, xếp mâm sáng tạo, có khi lên đến 500.000 đồng.
Trẻ nhất trong số 4 chủ sạp bán trầu là bà Cao Tuyết Lâm, 56 tuổi. Bà Lâm là em ruột bà Cao Kim Khuyến, trước đây cũng theo bán phụ mẹ. Khi lập gia đình, bà làm nghề may. Hơn 2 năm nay, bà ra đóng sạp theo hẳn nghề bán trầu cau. Miệng nói chuyện, tay bà thoăn thoắt xoay mâm trầu cho khách một cách tài hoa, khéo léo. Bà “bật mí”, những hình ảnh mâm trầu và các kiểu trầu têm (cánh phượng, cánh én…) trưng bày trong Bảo tàng tỉnh chính là thành quả của bà.
Từ nghề may, giờ là bán trầu, chồng bà đi ráp máy lạnh, chạy xe ôm đã nuôi 2 người con ăn học. Người con lớn tốt nghiệp sư phạm Trường Đại học Cần Thơ loại xuất sắc, được bằng khen UBND tỉnh, hiện làm cho một công ty tư nhân. Người con út học đại học năm thứ 4.
Bình quân mỗi ngày trừ chi phí, các chủ sạp bỏ túi vài trăm ngàn đồng. Không giàu có nhưng thu nhập ổn định nên các chủ sạp cứ ngày ngày ngồi chợ, coi đó cũng là niềm vui.
Trong số các hộ bán trầu cau, có người có ý định truyền nghề cho con cháu, có người không ai kế nghiệp. Nhưng quy luật thị trường, có cầu ắt có cung nên việc bán trầu cau chắc chắn còn tồn tại lâu dài (dù hình thức này hay hình thức khác).
Có lần tôi nói với người bạn: “Đảm bảo với bạn rằng, dù trong lòng có bộn bề trăm mối, đi ngang chợ trầu cau và để tâm vào, thì lòng sẽ lắng dịu. Bởi ở đó dường như có cái gì thật đặc biệt, chứ không đơn thuần là chuyện bán - mua. Hình như trong ấy còn mang dáng dấp, cốt hồn dân tộc Việt”./.
Huyền Anh