Hơn 100 dự án bị ách tắc Theo HoREA, trong 3 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản thành phố gặp khó khăn khi hơn 100 dự án bất động sản đang bị "đóng băng" chờ rà soát, thanh tra. Điều này, sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, kéo theo việc tăng giá bất động sản. Từ đó, làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Việc khan hiếm bất động sản cũng làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Ngoài ra, môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố). Nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả và cũng do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản, vừa có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vừa vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp… Cần hướng xử lý cụ thể Theo đó, HoREA đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị "đóng băng" chờ rà soát, thanh tra và có kết luận, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án. Theo HoREA, cần phân loại hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra thành 3 loại để có phương án xử lý phù hợp. Cụ thể nhóm 1 bao gồm các dự án về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì giải tỏa ngay để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện. Nhóm 2 bao gồm các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn, thì yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước, không để thất thoát tài sản công. Nhóm 3 bao gồm các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tách riêng để xử lý theo quy định pháp luật. Hiệp hội cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục và khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa dự án vào kinh doanh. Theo HoREA, hiện nay, gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn thành phố bị ngưng trệ, nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa được giải quyết xong. Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị UBND TPHCM sớm chỉ đạo giải quyết với dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đất hở, kênh mương nội đồng...), thường chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Trong đó, có rất nhiều dự án có tỷ lệ đất công chỉ chiếm dưới 5% diện tích dự án. Tất cả các dự án này hiện nay đang bị ách tắc việc tính tiền sử dụng đất. Phần đất công này thường có hình dạng bất định hình, hoặc nằm rải rác, không thể hình thành dự án độc lập trong lòng các dự án này được. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì về nguyên tắc "đất công" phải thực hiện đấu giá. Phát biểu tại buổi làm việc với HoREA ngày 28/3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, đối với các kiến nghị, dự án cụ thể liên quan đến sở ngành nào, yêu cầu sở ngành đó phải có văn bản trả lời cụ thể gửi doanh nghiệp một cách công khai minh bạch. Trên cơ sở đó, những vấn đề thuộc sở ngành, quận huyện thì đơn vị đó giải quyết, nếu thuộc thẩm quyền của thành phố, thành phố sẽ giải quyết. Nếu thuộc thẩm quyền bộ, ngành trung ương, TPHCM sẽ kiến nghị giải quyết. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng chỉ đạo Sở Xây dựng TPHCM phải công khai pháp lý các dự án quản lý theo thẩm quyền của mình để người dân, doanh nghiệp biết. Sắp tới TPHCM sẽ phê duyệt quy chế phối hợp giữa các sở ngành, tiếp đến là sở ngành với doanh nghiệp. |