Dù được đánh giá là đi đầu về tốc độ tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các cụm cảng đường thủy nội địa nhưng hậu CPH ngành Giao thông Vận tải (GTVT) lại có nhiều “lình xình” về sự thất thoát, lãng phí, các cảng thủy nội địa ngày càng xuống cấp, người lao động thất nghiệp.
Tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ GTVT, trong đó có việc CPH Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO). Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016, Bộ GTVT thực hiện 2 lần thoái vốn tại đây. Từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng Công ty Vận tải thủy - CTCP không còn vốn Nhà nước, 77% cổ phần thuộc về Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Những tưởng hậu CPH, Cảng Hà Nội, một đơn vị thuộc VIVASO - CTCP, từng là điểm giao nhận hàng hóa quan trọng, sầm uất giữa Thủ đô sẽ khang trang hơn, phát huy vị thế của mình, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Hàng chục héc ta đất tại vị trí đắc địa trung tâm Hà Nội đang bị “xẻ thịt” cho thuê, cơ sở vật chất hoang tàn, đổ nát, với nhiều công trình xây dựng trái phép để bỏ hoang cho cây dại mọc khắp nơi cao quá đầu người, gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó là mùi hôi nồng nặc cùng rác thải, xà bần vương vãi. Xe cộ, phương tiện giao thông gây ách tắc con đường vào cảng chủ yếu phục vụ các dịch vụ cho thuê kho bãi trái phép tại đây. Nhiều dãy nhà kho được chia nhỏ làm trụ sở, nơi sản xuất của doanh nghiệp tư nhân, làm bãi đỗ xe tải, xe khách, gara sửa chữa ô tô… Nhiều nơi còn là hàng quán xập xệ, bát nháo. Từ một cụm cảng tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đến nay Cảng Hà Nội chỉ còn lại gần chục cán bộ công nhân viên. Số phận của Cảng Việt Trì cũng không khá hơn, nơi đây là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng và từng phát triển mạnh tại Phú Thọ, thuộc quyền quản lý của VIVASO - CTCP. Hoạt động vận chuyển hàng hóa rất cầm chừng, trong vị trí khu đất của cảng, chỉ duy trì các hợp đồng cho thuê kho bãi. Bên thuê lắp đặt máy móc, sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Việc cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền hàng năm của Cảng Việt Trì là không đúng quy định tại khoản 4, Điều 12 và Điều 175 Luật Đất đai 2013. Không chỉ để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực đất đai, khu vực nội khu của Cảng Việt Trì còn xuống cấp nghiêm trọng, máy móc thiết bị cầu cảng đổ nát, nước thải xả trái phép, bãi rác gây ô nhiễm nặng tới đời sống của người dân xung quanh. Tương tự, Cảng Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình), theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), VIVASO - CTCP chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần cảng để kinh doanh, cho thuê, vi phạm Luật Xây dựng "cần phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý, thu về ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận thu được", ghi nhận hầu như không có hoạt động vận chuyển. Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong CPH, thoái vốn tại Tổng Công ty Vận tải thủy, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao tiếp nhận hồ sơ hai vụ việc sai phạm gây lãng phí và thất thoát số tiền lớn để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với nội dung CPH các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỷ đồng và việc xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, thoái vốn, sai mất vốn Nhà nước tại Cảng Hà Nội với số tiền hơn 16,3 tỷ đồng trong quá trình CPH để điều tra, xử lý theo quy định. Trong quá trình thanh tra, TTCP cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm khác khiến dư luận không khỏi dấy lên bức xúc về chiêu thức CPH để giúp nhà đầu tư toan tính trục lợi từ mua rẻ tài sản, thâu tóm “đất vàng”, chứ không hy vọng phát triển mạnh mẽ các cụm cảng thủy nội địa từng là “con chim đầu đàn”, hay tạo thêm thu nhập, việc làm cho người lao động. Đối với việc kiểm kê Cảng Việt Trì (Phú Thọ), Cảng Ninh Phúc (Ninh Bình), Bộ GTVT đã phê duyệt dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án. Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam, Tổng Công ty Vận tải thủy thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản thiếu danh mục Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc (dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới - WB6) và chưa xử lý dứt điểm tài sản đối với quyền sử dụng đất. Ban Chỉ đạo CPH, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH nhưng thiếu trách nhiệm không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không thể đồng thời thực hiện CPH VIVASO và Công ty TNHH Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa với việc đầu tư nâng cấp Cảng Việt Trì và Cảng Ninh Phúc bằng nguồn vốn WB6. VIVASO hậu CPH khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc (trong giai đoạn 2015-2020), vi phạm Luật Xây dựng "cần phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý, thu về ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận thu được". Về vùng nước trước cảng thuỷ, Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam và VIVASO đã không đưa thực trạng vùng nước trước cảng do VIVASO quản lý và sử dụng với diện tích 357.000m2vào bản công bố thông tin và phương án CPH là vi phạm, dẫn đến hậu quả là phương án CPH thiếu chính xác; VIVASO không lập hồ sơ xin thuê mặt nước gửi cơ quan quan có thẩm quyền dẫn đến thất thu tiền thư mặt nước của Nhà nước cần phải được xem xét, tinh toán truy thu. Bên cạnh việc chuyển hồ sơ 2 vụ việc tại Cảng Ninh Phúc và Cảng Việt Trì sang Bộ Công an, Viện KSND Tối cao để điều tra, xác minh, TTCP đề nghị xử lý trách nhiệm Ban Chỉ đạo CPH, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan về khuyết điểm để ra sai phạm trong xây dựng phương án CPH. Xác định giá trị của doanh nghiệp để CPH; việc xác định giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang Công ty cổ phần và việc thoái vốn Nhà nước đã được chỉ ra qua thanh tra… trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH nhưng "thiếu trách nhiệm không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng" thông tin liên quan tới CPH cụm cảng sử dụng nguồn vốn WB6 là Cảng Ninh Phúc và Cảng Việt Trì. Bài 2: Cổphần hóacảng thủy đội địa “giá bèo”, ai được, ai mất? |