(CMO) Mặc dù chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Trung ương đã ban hành văn bản nhưng tại Cà Mau những năm qua triển khai không tới, chưa có những hành động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu tại địa phương.Vì vậy, "Đã có nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro vì vi phạm văn bản quy phạm pháp luật do không biết, không nắm bắt được cơ hội kinh doanh" ông Phạm Quốc Sử, Trưởng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư Pháp, cho biết. Để khắc phục hạn chế trên, ngày 26/12/2017, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Chương trình 06, chương trình phi lợi nhuận, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh Cà Mau (Chương trình 06).
Theo đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng các văn bản pháp luật góp phần hạn chế rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhằm từng bước giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp luật, đáp ứng cơ bản về bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên pháp chế doanh nghiệp; hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật gồm: luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật... Theo ông Phạm Quốc Sử, đây là chương trình rất ý nghĩa, mục tiêu hạn chế tất cả những rủi ro về mặt pháp lý cho doanh nghiệp. Vì thực tế hiện nay thể chế pháp lý của Trung ương, của tỉnh ban hành rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp hầu như chỉ quan tâm đến hoạt động kinh doanh, họ không quan tâm thể chế pháp lý, dẫn đến rủi ro rất lớn nếu mắc phải những thể chế pháp lý mới ban hành mà không tiếp cận được. Đầu năm 2018 chính sách bảo hiểm đối với người lao động, bảo hộ lao động có nhiều cái mới, nếu doanh nghiệp không nắm bắt được sẽ bị phạt rất nhiều tiền. Hiện nay, có rất nhiều chủ trương ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt là khi Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hình thành rất nhiều chính sách của Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp được thụ hưởng nhưng dường như tất cả các doanh nghiệp trong tỉnh không hiểu vấn đề này. Vì vậy, các doanh nghiệp đã và đang khó khăn mà không biết để nắm bắt cơ hội sẽ càng khó khăn hơn. Ông Phạm Quốc Sử nhận định, mặc dù cơ chế có, nhưng doanh nghiệp không hiểu nên không hành động để được thụ hưởng. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm phổ biến các chính sách này đến họ. Hiện nay, rào cản lớn nhất là tâm lý, họ thực hiện theo tư duy lối mòn, tìm hiểu thông tin thông qua quen biết cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước mà không tự thân vận động. Riêng bản thân doanh nghiệp không có cán bộ chuyên về hỗ trợ pháp lý nên có nguy cơ cao về vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật. Chương trình này sẽ huy động trách nhiệm của tất cả các ngành. Thuộc lĩnh vực ngành nào quản lý liên quan đến hoạt động doanh nghiệp thì phải đảm bảo công khai các thông tin kịp thời để doanh nghiệp chia sẻ. Khi có thể chế pháp lý mới ban hành phải kịp thời thông tin đến để doanh nghiệp thực hiện cũng như hiểu được đối với từng thể chế, doanh nghiệp được thụ hưởng những gì từ cơ chế chính sách đối với ngành mình quản lý. Chương trình 06 có 7 muc tiêu cơ bản sẽ tập trung triển khai, đó là: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho nhân viên pháp chế các doanh nghiệp. Thực hiện điều tra, khảo sát thực tế nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp và thực trạng triển khai thi hành pháp luật tại doanh nghiệp. Tổ chức các chương trình toạ đàm, đối thoại trực tiếp, hội nghị tham vấn doanh nghiệp để giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp. Hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể. Ông Phạm Quốc Sử cho biết, trong quý I/2018 sẽ hoàn thiện thể chế và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức để thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tiếp đó tập huấn cho hệ thống nhân viên của doanh nghiệp nắm được kỹ năng để tiếp cận, chia sẻ những thông tin thể chế mới để biết được quyền của mình được thụ hưởng đối với từng chính sách và làm thế nào để thụ hưởng. Đồng thời, gắn kết chương trình đối thoại công dân và doanh nghiệp vào chương trình hỗ trợ pháp lý. Hình thành hệ thống nhân viên chuyên tham vấn cho doanh nghiệp. Công bố bằng đa hệ thống thông tin để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Đối với từng ngành, khi có chủ trương mới thì phải thông tin công khai, không để doanh nghiệp đói thông tin. Thông qua hệ thống truyền thông sẽ xoá dần mặc cảm của doanh nghiệp, họ sẽ mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Chính vì vậy sẽ đưa doanh nghiệp ra khỏi tình trạng bị đe doạ về thiệt hại. Theo ông Sử, từ Chương trình 06 này, doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật./. Hồng Phượng |