PV: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để thực hiện Chương trình này; trong đó, giá trị gói chính sách tài khóa lên đến 291 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 83% tổng giá trị của cả chương trình. Ông có thể nói rõ hơn về gói hỗ trợ tài khóa này, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Tân:Đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta trong suốt 2 năm qua và khả năng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Minh Tân |
Triển khai kết luận của Hội nghị lần thứ 3 và 4 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ báo cáo các cấp thẩm quyền Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế thế giới, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tổng nguồn lực tài khóa và tiền tệ để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình khoảng 350 nghìn tỷ đồng, riêng gói tài khóa khoảng 291 nghìn tỷ đồng, gồm: miễn, giảm thuế, phí, tiền thu đất khoảng 64 nghìn tỷ đồng; bổ sung vốn đầu tư phát triển 176 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất (khoảng 135 nghìn tỷ đồng), qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn vốn giá rẻ để sản xuất, kinh doanh, với giá trị hỗ trợ khoảng 6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi. Nguồn lực tài khóa này được huy động từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và tăng bội chi của ngân sách trung ương.
PV:Trong tổng thể thực hiện chương trình, gói hỗ trợ tài khóa là quan trọng và lớn nhất, có nghĩa khối lượng công việc Bộ Tài chính phải triển khai là rất lớn. Xin ông cho biết đến nay, Bộ Tài chính đã làm những gì để chính sách sớm đi vào cuộc sống?
Ông Nguyễn Minh Tân:Gói hỗ trợ tài khóa lần này có giá trị lớn nhất từ trước đến nay và yêu cầu rất cao về tổ chức thực hiện nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của chương trình. Với ý nghĩa quan trọng đó, ngay trong quá trình xây dựng chương trình, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, triển khai ngay các nội dung đã rõ để có thể trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định ngay sau khi chương trình được phê duyệt.
Thực tế là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã khẩn trương phân công các đơn vị trong bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao theo thứ tự ưu tiên, gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể. Trong đó, có 18 nhiệm vụ chủ trì thực hiện và 13 nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các bộ, cơ quan khác. Có nhiệm vụ phải xong, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong quý I/2022 như: các văn bản quy định chi tiết chính sách miễn, giảm thuế và quy định việc giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất; văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho NHCSXH, chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến; phối hợp với NHNN hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Có nhiệm vụ sẽ được duy trì trong suốt thời gian thực hiện chương trình, như: quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, đặc biệt là từ dư địa tăng thu đối với các giao dịch số và các dịch vụ trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; rà soát các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN… để có nguồn lực hỗ trợ Chương trình.
PV: Như ông chia sẻ, từ thời điểm xây dựng chương trình, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai ngay đối với các phần việc thuộc bộ. Ông có thể nói rõ hơn đến nay Bộ Tài chính đã triển khai các nhiệm vụ ra sao, nhất là việc sẵn sàng nguồn lực cho chương trình nhưng vẫn đảm bảo các cân đối lớn về tài chính - NSNN?
Ông Nguyễn Minh Tân: Cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Hiện tại, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị quyết của Chính phủ về hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2022; đang gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương liên quan các dự thảo sau: Thông tư sửa đổi một số nội dung thuộc lĩnh vực quản lý trong Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tờ trình và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho NHCSXH; quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến. Bộ Tài chính cũng đã họp với NHNN về dự thảo nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Bộ Tài chính rất mong nhận được ý kiến tham gia kịp thời, trách nhiệm từ các bộ, ngành và địa phương để hoàn thành, kịp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng phương án điều hành ngân sách chủ động, tích cực, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN nói chung và thuộc Chương trình nói riêng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi và kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư.
PV:Xin cảm ơn ông!
Nhiều đối tượng được hỗ trợ“Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ: chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2002 - 2003; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh”. |