Khó khăn trong công tác quản lý
Theầnnhữngchếtagraveiđủmạbologna đấu với lecceo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thị trường TMĐT Việt Nam hiện có quy mô khoảng 4 tỷ USD (tương đương gần 100 nghìn tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng hằng năm là 22%. Sự phát triển của TMĐT đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, khi ai cũng có thể tham gia quá trình kinh doanh sản phẩm trên internet sẽ kéo theo những rủi ro lớn cho việc bảo hộ phát minh-sáng chế. Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ KH&CN, thì các hành vi xâm phạm quyền SHTT trên internet ngày càng tăng về số lượng và độ phức tạp khiến vấn đề bảo hộ quyền SHTT trong môi trường này gặp không ít khó khăn. Các hành vi xâm phạm nổi bật được phát hiện trên internet có thể kể đến là hành vi xâm phạm nhãn hiệu trên các trang TMĐT, hành vi trục lợi, chiếm đoạt tên miền… Đối với vấn đề tên miền, tại Tọa đàm “Thực thi quyền SHTT trong môi trường TMĐT” do Bộ KH&CN vừa tổ chức, ông Trần Phương Bắc, người được ủy quyền công bố thông tin của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan nêu ví dụ: Trong hai năm qua, MaSan ra mắt thị trường thành công dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hệ men tiêu hóa Biozeem. Phương thức kinh doanh sản phẩm dựa trên các kênh phân phối truyền thống. Tuy nhiên, một số đối tượng đã tạo tên miền chứa nhãn hiệu này mà không được phép ủy quyền của MaSan nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Như Quỳnh đánh giá, thách thức lớn nhất trong xử lý vi phạm quyền SHTT là xác định tổ chức, cá nhân vi phạm và thu thập chứng cứ. Môi trường điện tử là môi trường có thể ẩn danh, đối tượng vi phạm quyền SHTT có thể đưa ra thông tin sai sự thật. Do vậy, khi cơ quan chức năng tìm đến những địa chỉ bán hàng đăng trên website thì đã “vườn không nhà trống”; hoặc nếu có thông tin, địa chỉ, những cửa hàng online này cũng đã chuyển đi nơi khác. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam quy định, bất kỳ chủ thể nào cũng có thể đăng ký tên miền “.vn”, bao gồm cả những cá nhân, tổ chức nước ngoài dù không hiện diện thương mại tại Việt Nam. Do vậy, công tác xác định chủ thể vi phạm rất phức tạp. Vấn đề vướng mắc tiếp theo là khó khăn trong xác định giá trị hàng hóa vi phạm. Theo đó, muốn bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền thì phải xác định giá trị hàng hóa vi phạm là bao nhiêu. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tiếp cận, người vi phạm đã tẩu tán toàn bộ kho hàng, chỉ để lại một, hai sản phẩm nhằm giảm tối đa số tiền phạt. Công tác quản lý quyền SHTT cũng vấp phải rào cản lớn khi kinh nghiệm của đội ngũ có thẩm quyền xử lý vi phạm còn hạn chế. Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Tổng cục Cảnh sát), thì nhận thức về TMĐT chưa đầy đủ, cũng như mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng cảnh sát kinh tế với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác xử lý vi phạm còn nhiều chồng chéo, bất cập.
Nâng cao trách nhiệm của các sàn giao dịch trực tuyến
Bảo hộ quyền SHTT trong TMĐT có ý nghĩa rất lớn, bởi điều này có thể làm cho một doanh nghiệp phát triển nhanh chóng hoặc thất bại. Để hạn chế vi phạm SHTT, Luật sư Lê Xuân Lộc chuyên về lĩnh vực SHTT, Công ty Luật TNHH T&G nhấn mạnh, chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ không thể đặt mọi gánh nặng lên cơ quan chức năng mà cần chủ động có những biện pháp tự bảo vệ và cung cấp thông tin tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phía chủ sở hữu quyền cũng hy vọng Nhà nước sẽ có biện pháp mạnh tay hơn đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Theo họ, mức độ xử phạt hành vi vi phạm hiện chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý hành chính, số vụ khởi tố hình sự, xử lý dân sự không nhiều.
Đứng trên khía cạnh nhà quản lý, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, phía cơ quan quản lý sẽ bổ sung thêm những quy định về xử lý xâm phạm quyền SHTT trong môi trường TMĐT vào Luật SHTT sắp được sửa đổi, đồng thời tăng cường tập huấn chuyên môn cho các cán bộ quản lý trong lĩnh vực này. Để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT, ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh, các website giao dịch trực tuyến phải áp dụng một hệ thống đăng ký đối với những người bán hàng hóa, dịch vụ tại website đó, bảo đảm thông tin nhận dạng chính xác, có thể truy xuất được như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế… Các sàn giao dịch trực tuyến cũng phải thiết lập các quy định nội bộ để giải quyết khiếu nại liên quan đến xâm phạm quyền SHTT và hàng giả mạo. Họ có trách nhiệm xóa gỡ những yếu tố vi phạm trên website khi hành vi vi phạm được xác định. Trong trường hợp không có những biện pháp can thiệp kịp thời, các sàn giao dịch trực tuyến, nơi diễn ra hoạt động bán hàng giả, có thể bị đóng bởi nhà cung cấp dịch vụ internet.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc thành lập cẩm nang điện tử cho những người buôn bán trên mạng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cẩm nang điện tử sẽ đưa ra danh sách hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường TMĐT, đồng thời giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề này. Từ đó, họ có căn cứ để tham khảo và lựa chọn hình thức hoạt động hợp lý hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ quyền SHTT, tháng 6-2017, Cục SHTT đã thảo luận với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) về xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia Việt Nam. Chiến lược này sẽ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2030 để tăng cường bảo vệ quyền SHTT.