(CMO) Từ năm 1985 đến nay, Việt Nam đã tiến hành khai quật, trục vớt ở biển Ðông gần 10 tàu đắm cổ (niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII), như các tàu cổ Cù Lao Chàm, Bình Thuận, Hòn Cau và Kiên Giang.
Trong đó tàu cổ Cà Mau có số lượng cổ vật lớn nhất, với 131.693 hiện vật (kể cả 32.659 cổ vật thu hồi của ngư dân Bình Thuận đã khai thác trái phép trước đó).
Cổ vật tàu Cà Mau phong phú hơn và có giá trị thương mại lớn hơn. Tỉnh Cà Mau được phép lưu giữ 2.596 cổ vật để trưng bày phục vụ. Trong đó có 2 bộ sưu tập đầy đủ (mỗi bộ có 924 tiêu bản). Ngoài 2 bộ nói trên, Bảo tàng Cà Mau được lưu giữ bộ độc bản (không trùng với 2 bộ nói trên và không trùng với bất cứ món nào trong số hơn 131.000 cổ vật khai thác từ tàu đắm nói trên). Có nghĩa là Bảo tàng Cà Mau có tất cả các tiêu bản đã được khai quật.
Gọi là “độc bản” nhưng không phải là “một chiếc” mà là bộ cổ vật gồm 748 hiện vật. Các cổ vật gốm sứ có cùng niên đại với đời vua Ung Chính (Yongzheng) nhà Thanh (1723-1735). Thể hiện ở các dòng chữ Hán trên đồ sứ như: Ung Chính niên chế, Ðại Thanh Ung Chính niên chế. Nhưng gốm sứ thì xuất xứ từ nhiều lò nổi tiếng nhất Trung Quốc và thế giới thời bấy giờ, như: Cảnh Ðức Trấn (tỉnh Giang Tây); Ðức Hoá (tỉnh Phúc Kiến); Quảng Châu Tây Thôn, Tiên Sơn Thạch Loan (tỉnh Quảng Ðông) và các lò gốm sứ khác ở các tỉnh lân cận. Trong đó có các lò chuyên sản xuất gốm sứ cao cấp, tinh xảo chỉ dùng xuất khẩu hoặc trong cung đình (đồ ngự phủ).
Bộ độc bản tại Bảo tàng gồm 17 chủng loại, chủ yếu là đồ sứ hoa lam (sứ men trắng vẽ hoa màu lam) như: bát, tô, đĩa, bộ bình trà, khay, bình, lọ, hũ, hộp, tượng…) với hơn 600 mẫu. Riêng bộ đĩa có gần 200 mẫu (không trùng nhau) và rất phong phú về kiểu dáng, kích cỡ: hình tròn, hình ô van, đa giác, lá đề, lá sen, đĩa hình chữ thập, chữ T; cạnh trơn, cạnh có múi răng…
Trên các bộ đĩa cổ có hàng trăm, hàng ngàn bức tranh, đề tài hoa, lá, cành; tuồng tích, điển tích (như Tam Quốc Chí, Khương Tử Nha với tiểu đồng, ngư ông...), phong cảnh, hươu, nai, đào, mai, cúc, tùng …
Người châu Âu rất thích tranh Mục đồng cỡi trâu.
Trong nhóm đĩa đại, có cổ vật đường kính miệng lên tới 38,27 cm. Nhóm đĩa tiểu đường kính loại nhỏ nhất 7 cm, loại trung từ 11-20 cm (có số lượng nhiều nhất).
Bình thì có các loại: bình tròn, bình hộp vuông, bình đựng rượu, bình sữa; loại có quai, vòi, miệng loe, miệng túm, có nắp, không nắp, hoa văn trơn, hoa văn đắp nổi… Ðặc biệt, có cả bình đựng dế đá - một trò tiêu khiển mà vua quan thời đó rất ưa thích. Xem cổ vật này ta nhớ đến câu chuyện vua Tuyên Ðức (đời Minh) bắt thiên hạ nộp dế đá. Một thần dân bắt được một con dế đẹp nhưng đứa bé trai hiếu động lỡ tay làm dế lòi ruột. Sợ hãi quá, nó trốn nhà ra đi. Khi cha mẹ tìm thấy thì nó đã chết dưới một giếng nước. Một con dế đã đổi một mạng người…
Các bộ bình trà, hũ, âu, tĩnh, lọ… cũng khá phong phú về kích cỡ, kiểu dáng, hoa văn. Có những loại chiều cao lớn, theo kiểu dáng châu Âu, do người phương Tây đặt làm. Dễ nhận ra nhất là đĩa, bình có vẽ cảnh làng chài Hà Lan, pháo đài - lính canh, bình đựng sữa… (người Trung Quốc và các nước Á Ðông không dùng sữa nên không chế vật phẩm kiểu dáng này).
Kendi có vòi.
Cũng trong bộ độc bản này có những cổ vật rất hiếm, lạ như: tượng cóc, tượng kỳ lân, tượng thỏ, tượng khỉ. Các nhóm tượng thiếu nữ, tượng người cỡi ngựa, cỡi trâu (nghé), âu thuyền bằng gốm sứ men màu (lam, xanh rêu, vàng, trắng…) đều là những tác phẩm kỹ nghệ có giá trị. Ðề tài phong cảnh, nhân vật thường được diễn tả theo tuồng tích, điển tích. Có nhóm hiện vật hợp thành bộ tranh. Người châu Âu rất thích các tranh tiểu đồng chăn trâu, túp lều và ngư ông. Nói chung, kỹ nghệ chế tác gốm sứ thời đó không thể sánh với men sứ hạt mịn, các bức hoạ, minh văn tinh xảo, gõ nhẹ nghe âm thanh trong có tiếng ngân của đồ sứ Trung Quốc.
Các loại khay trà, ống bút, nghiên mực, hộp có nắp đựng đồ trang sức, lư hương, vật dụng của thuỷ thủ, gia đình thuỷ thủ và người phục vụ trên tàu cũng rất đặc biệt. Một số hiện vật trong số đó là chất liệu phi gốm - sứ nên không xếp vào bộ độc bản (như tiền Khang Hy thông bảo, thau đồng, trâm cài tóc, khoá, triện đồng, đèn dầu, bùa hộ mệnh…).
Bộ cổ vật độc bản ở Bảo tàng Cà Mau, giới chuyên môn không định giá thành tiền nhưng hẳn là nhiều triệu USD. Nó có giá trị về nghiên cứu khoa học (văn hoá, lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật, công nghệ sản xuất gốm sứ Trung Quốc thời Trung cổ cũng như sự giao lưu văn hoá, thương mại, hàng hải quốc tế giữa các nước Á Ðông với Âu châu tư bản).
Ðể có được 131.693 hiện vật ấy, từ năm 1998, Bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Cà Mau đã tiến hành khai quật, xử lý kỹ thuật, lập hồ sơ hiện vật và bảo quản nhiều năm trời. Số tiền bán hơn ngàn cổ vật (trùng bản) do Công ty Ðấu giá cổ vật quốc tế Unicom & Sotheby’s môi giới tổ chức bán tại Amsterdam mang về 3 triệu euro cho ngân sách địa phương Cà Mau (65%) và Bình Thuận (35%).
Tuy nhiên, việc bán cổ vật trên được giới chuyên môn đánh giá là giá bán khá rẻ. Do chúng ta chưa có kinh nghiệm tổ chức đấu giá quốc tế. Việc tổ chức đấu giá ở một nước Bắc Âu phải qua nhiều tầng nấc trung gian môi giới, thuế quan, chi phí vận chuyển, bảo hiểm không hề nhỏ. Nếu trừ chi phí khai quật, ngâm rửa, bảo vệ, bảo quản cả chục năm trời… thì khoản thu như trên là khá khiêm tốn. Nhiều nhà sưu tầm, mua bán cổ vật ở Việt Nam đến nay vẫn còn tiếc. Vì họ cũng có đủ khả năng tài chính để mua một lượng hoặc mua cả lô cổ vật đấu giá ở Hà Lan, trong đó có những món đồ có giá bán rất cao nhưng cũng có những món chỉ mấy trăm USD. Và quan trọng là người Việt trong nước được sở hữu các cổ vật này thì có ý nghĩa hơn nhiều khi nó được bán cho người nước ngoài./.
Bảo tàng Cà Mau hiện vẫn chưa có chỗ nơi trưng bày để khách tham quan xa gần được tận mắt chiêm ngưỡng. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Dương Minh Vĩnh cho biết: “Đơn vị đang xúc tiến các bước chuẩn bị xây dựng Bảo tàng ở gần Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thuộc Phường 1, TP Cà Mau). Với nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng thì công trình cũng khá bề thế”.