Doanh nhân phải biết cách đổi mới, sáng tạo thì DN mới có điều kiện để phát triển. bền vững Ảnh: DANH LAM. Nắm bắt và đổi mới công nghệ Có thể nói, sự phát triển của một DN nói riêng và của cả đất nước nói chung phụ thuộc khá nhiều vào việc làm chủ công nghệ, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Bên cạnh việc xác định hướng đi, định hướng kinh doanh đúng đắn cho DN, doanh nhân phải có sự học hỏi, sáng tạo để cho ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Và qua đó, sự cải tiến về khoa học - công nghệ luôn được các doanh nhân gắn với định hướng phát triển cho mỗi giai đoạn kinh doanh. Chia sẻ về câu chuyện cải tiến khoa học công nghệ của DN, ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I cho biết, gốm sứ truyền thống thường phải nung 2 lần mới đạt chất lượng nhưng trong sản xuất công nghiệp, điều này sẽ làm tăng nhiên liệu sử dụng, tăng chi phí vận hành và thời gian chờ đợi rất lâu nên hiệu quả sản xuất không cao. Vì thế, Công ty đã nghiên cứu, sáng tạo ra phương pháp nung một lần, giúp tiết kiệm đến 30% chi phí nhiên liệu và loại bỏ thời gian chờ. Ông Sáng cho biết thêm, trước đây các sản phẩm của Minh Long I tập trung vào thị trường người tiêu dùng nhiều hơn. Nhưng khảo sát, nghiên cứu cho thấy cuộc sống của người dân tăng lên nên có điều kiện và thích đi ăn nhà hàng hơn. Do vậy, Công ty đã quyết định tăng thêm những sản phẩm cho phân khúc nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, phân khúc này lại cần những sản phẩm bền, đẹp mà giá cả phải cạnh tranh. Với nhiều công ty khác, họ sẽ giảm chất lượng để đưa ra giá rẻ, nhưng Minh Long I vẫn luôn cố gắng giữ chất lượng, thậm chí có nhiều cải thiện hơn mà giá cả vẫn hợp lý. Để làm được điều này, Công ty đã phải thay đổi nhiều công nghệ sản xuất, giúp năng suất công nhân cao hơn, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất. Không riêng gốm sứ Minh Long I, nhiều DN - doanh nhân khác cũng đã phát huy được sức mạnh của sáng tạo khoa học công nghệ trong cách thức kinh doanh của mình. Trong số đó, có thể kể đến mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính được ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Việt Úc thực hiện. Theo đó, mô hình này áp dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường để tạo ra quy trình nuôi khép kín từ con giống đến thu hoạch, XK. Mặt khác, bên cạnh công nghệ khoa học, các DN hiện còn phải chú trọng đến “công nghệ” quảng cáo, truyền thông, xây dựng thương hiệu cho DN. Không muốn áp dụng theo hình thức quảng cáo truyền thống, Minh Long I lựa chọn tài trợ cho các chương trình về nấu ăn trên truyền hình. Theo ông Lý Huy Sáng, cách làm này giúp khách hàng không chỉ được nghe nhìn về sản phẩm mà còn như một cách trải nghiệm, họ sẽ thấy những sản phẩm của Công ty được sử dụng để bày biện thực ăn đẹp như thế nào, được các đầu bếp chuyên nghiệp sử dụng đa dạng ra sao… điều này sẽ hiệu quả hơn những hình ảnh đẹp đẽ trong các video tự quảng cáo. Phát huy sáng tạo Bất kỳ công việc nào, ở mọi lĩnh vực hay đơn vị làm việc, sự sáng tạo luôn là chìa khóa then chốt cho những bước phát triển đột phá. Chính vì thế, doanh nhân không những phải có những sáng tạo mà còn phải biết phát huy những sáng tạo trong đội ngũ nhân viên của DN. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, là một DN có tới 3.000 nhân viên, bên cạnh đội ngũ quản trị giỏi, Công ty cần có đội ngũ nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ. Vì thế, để các nhà khoa học phát huy hết năng lực, lãnh đạo DN phải có niềm tin với các nhà khoa học, mạnh dạn tạo điều kiện để họ phát triển. Trong số đó, Rạng Đông đã phối hợp với Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế để xây dựng các khóa học nâng cao năng lực cho các cán bộ của Công ty. Chính nhờ làm được điều này, ông Thăng cho biết, trước đây, khi bóng đèn Rạng Đông bị cạnh tranh gay gắt bởi công nghệ đèn Led, có lúc từng đứng bên bờ vực phá sản, nhưng nhờ nỗ lực kêu gọi sự tham gia nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực chiếu sáng từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học của Rạng Đông mà Công ty đã có hệ thống đèn compact thế hệ mới. Để đến bây giờ, Rạng Đông đã sản xuất được những mặt hàng rất có tiềm năng trong tương lai là các loại đèn huỳnh quang, đèn compact chuyên dụng phục vụ chiếu sáng nhân tạo cho nông nghiệp…, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập tương tự. Đối với Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, ông Lý Huy Sáng cho hay, cứ 5 tháng một lần, Công ty lại có một cuộc họp giữa ban lãnh đạo và các trưởng bộ phận. Trong đó, các trưởng bộ phận phải đề xuất ít nhất 5 ý tưởng cải tiến công nghệ của các công nhân và ít nhất 2 trong số đó khả thi. Đích thân Ban Giám đốc sẽ xem xét những sáng kiến này và tùy theo hiệu quả mà có mức thưởng khác nhau. Nhờ đó, rất nhiều công nhân đã mạnh dạn đưa ra những ý tưởng đáng ghi nhận trong mọi lĩnh vực như: Pha chế nguyên liệu, sản xuất tiết kiệm, cải thiện các thủ tục trong công ty… Ông Sáng cũng nhận định, với hơn 3.000 nhân viên, nếu mỗi người có một cải tiến nhỏ thì chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều lần so với việc Công ty chỉ có 1-2 cải tiến lớn. Điều này còn giúp Minh Long I có môi trường làm việc, văn hóa DN đầy sáng tạo, luôn có sự đổi mới, năng động. Nhìn chung, trước nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng như hiện nay, các DN đều cần có ý thức đổi mới sáng tạo về mọi mặt, và người “cầm lái” các DN cũng phải phát huy triệt để năng lực của mình và biết cách tận dụng ý tưởng từ những người xung quanh. Đây sẽ là con đường đúng đắn nhất để DN tồn tại bền vững. |