Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) được xem là “Kẻ giết người thầm lặng”, là một trong những bệnh chuyển hóa không lây phát triển nhanh nhất trong những thập niên gần đây. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng chống được nếu mọi người xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao hợp lý…
Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ĐTĐ (ảnh minh họa)
“Kẻ giết người thầm lặng”
Những thập niên gần đây, ĐTĐ được xem là một trong những bệnh chuyển hóa không lây đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 1995 có 135 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, chiếm 4% dân số toàn cầu. Năm 2000 có khoảng 157 triệu người mắc, chiếm 4,8% dân số toàn cầu và dự báo đến năm 2025 con số này có thể tăng trên 350 triệu người mắc. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có số người mắc bệnh đông nhất, với 44 triệu người, Đông Nam Á 35 triệu người, tốc độ gia tăng ĐTĐ ở các nước đang phát triển là 170%. Hậu quả của sự gia tăng này chính là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng số người khuyết tật trong xã hội, giảm khả năng lao động và tăng tỷ lệ tử vong.
Tại Việt Nam, tình hình mắc bệnh ĐTĐ cũng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Theo kết quả điều tra năm 2001, tỷ lệ bệnh này ở khu vực nội thành 4 thành phố lớn là 4%, năm 2002 tỷ lệ ĐTĐ trên toàn quốc là 2,7%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở các thành phố lớn là 4,4%. Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa I Hồng Hữu Đức, Phó Trưởng khoa Sốt rét - Nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, điều đáng lo ngại là hơn 64% người bệnh không hề hay biết mình bị bệnh ĐTĐ và có một tỷ lệ rất lớn bệnh nhân mắc bệnh mà không được điều trị tốt. Hậu quả sau một thời gian ngắn sẽ bị các biến chứng tại nhiều cơ quan như tim mạch, thần kinh, mắt, thận, xương khớp, nhiễm trùng, loét chân phải đoạn chi. Do bệnh thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng ở người mắc bệnh ĐTĐ typ 2, thế nên người ta còn gọi bệnh ĐTĐ là “Kẻ giết người thầm lặng”. Một điều đáng lo ngại nữa là tỷ lệ những người có nguy cơ mắc bệnh khá cao (chiếm 43%), trong đó rối loạn dung nạp đường là 7,3%. Dự báo, trong những năm tới, những đối tượng này sẽ trở thành người bệnh nếu các yếu tố nguy cơ không được khống chế có hiệu quả.
Lối sống của người Việt Nam hiện nay đang bị thay đổi đột ngột, kiểu ăn uống theo lối Âu hóa, nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều thành phần béo ngọt, năng lượng cao cộng thêm những tiện nghi máy móc trong sinh hoạt khiến cơ hội lao động tay chân ngày càng giảm. BS Đức cho rằng, đây là những yếu tố góp phần làm tăng số người mắc bệnh ĐTĐ trong tương lai. Do vậy, để hạ thấp số người mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng, mỗi người nên xây dựng một lối sống lành mạnh. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh việc thay đổi lối sống đã giúp giảm tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ rất đáng kể.
Sống lành mạnh để phòng bệnh
Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng và dưỡng chất giúp cơ thể duy trì sự sống và bảo đảm mọi hoạt động hàng ngày. Mỗi loại thực phẩm có chứa các dưỡng chất khác nhau và số lượng dưỡng chất mang lại cũng khác nhau. Do đó, chỉ có ăn đủ loại thực phẩm thì mới đạt được yêu cầu về dưỡng chất cho cơ thể. Theo khuyến cáo của các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày phải ăn ít nhất từ 20 loại thực phẩm trở lên mới bảo đảm đủ nguồn dưỡng chất. Tuy nhiên, số lượng mỗi loại thực phẩm cũng chiếm vai trò không kém trong chiến lược phòng ngừa bệnh ĐTĐ. Nên ăn vừa đủ theo nhu cầu cơ thể của mỗi người đối với từng loại thực phẩm, kiểm soát được lượng muối, đường và chất béo là những điều cần phải lưu tâm. Nhu cầu cần thiết được tính theo mức độ lao động, tuổi tác, cân nặng hiện tại và các nhà dinh dưỡng sẽ giúp các bạn tính toán nhu cầu cụ thể. Bởi, cách ăn uống khoa học là biện pháp giúp bạn giảm khả năng mắc bệnh, đặc biệt ở những ai đã có sẵn các yếu tố nguy cơ.
Theo BS Đức, để tránh tăng đường huyết sau mỗi bữa ăn hay còn gọi là rối loạn dung nạp đường (tiền ĐTĐ) bạn nên chia lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ. Tiền ĐTĐ cũng làm tăng các biến cố tim mạch tương đương với bệnh ĐTĐ. Nên ăn nhiều các thực phẩm có hàm lượng xơ cao có trong các loại thực phẩm rau, quả, đậu, ngũ cốc. Cần bảo đảm 20 - 35 gam chất xơ mỗi ngày, tương đương 300 - 400 gam rau và hơn 200 gam trái cây. Nên chọn các loại béo có lợi cho sức khỏe như dầu thực vật, mỡ cá, tảo, rong biển, hải sản có tác dụng bảo vệ tim mạch. Hạn chế các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, mỡ không có lợi cho sức khỏe như mỡ động vật, bơ, magarine, dầu cọ, dầu dừa, sản phẩm sữa có hàm lượng béo cao, các thức ăn nhanh, ngũ cốc đã chà sạch vỏ và các thức ăn chứa nhiều đường.
Các nghiên cứu cho thấy, các trẻ em thừa cân thường ăn rất ít rau và ăn nhiều các món snack với hàm lượng béo cao, thích các thức ăn nhanh, thích uống nước ngọt, ít vận động thể lực và mất nhiều thời gian để xem tivi hay ngồi trước máy vi tính. Có đến 80% bệnh nhân ĐTĐ bị thừa cân hoặc béo phì và khoa học đã chứng minh, chỉ cần giảm từ 5 - 10% cân nặng là có thể phòng ngừa hoặc trì hoãn được sự phát triển của bệnh ĐTĐ. Do đó, việc duy trì mức cân hợp lý cũng là biện pháp tích cực giúp phòng ngừa bệnh ĐTĐ. Để thực hiện điều này, BS Đức khuyến cáo, ngoài chế độ ăn lành mạnh, chúng ta cần phải có thói quen tập thể dục, năng động trong cuộc sống. Tập thể dục giúp cơ thể sử dụng tốt lượng đường trong máu, giảm cân, giảm mỡ xấu, tăng mỡ tốt, giảm huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Các loại hình tập thể dục bao gồm nhiều hình thức, từ đơn giản như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, cho đến các môn thể thao như bơi lội, đánh cầu lông, khiêu vũ… Thời gian tối thiểu 30 - 45 phút mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần là đủ để bạn thực hiện mục tiêu phòng bệnh.
HỒNG THUẬN