Thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, trong 1 tháng qua, có 18/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, 6 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, 3 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn. Kỳ hạn ngắn tăng mạnh, cao nhất lên tới 0,65% Theo khảo sát của phóng viên TBTCVN, mức tăng lãi suất huy động mạnh nhất phải kể đến SeABank với mức tăng 0,65% kỳ hạn 3 tháng tại quầy lên mức 4,1%/năm; tăng 0,55% kỳ hạn 6 tháng lên mức 4,3%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn dài hơn như 12 tháng chỉ tăng 0,3%. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 5,45%/năm kỳ hạn 24 tháng tại quầy, với hình thức gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ. Dù tăng cao lãi suất huy động đầu tháng 12, song mức lãi suất các kỳ hạn vẫn thấp hơn đáng kể các nhà băng khác, riêng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng lọt top 3 các ngân hàng có lãi suất cao nhất.
Trong nhóm các ngân hàng quốc doanh, Agribank ghi nhận sự tăng cao lãi suất với 0,5% các kỳ hạn từ 1 - 9 tháng gửi lại quầy lên mức 2,2 - 3,5%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 4,8%/năm kỳ hạn 24 tháng tại quầy. Các ngân hàng còn lại hầu hết tăng nhẹ lãi suất với chỉ từ 0,1 - 0,3%/năm. Bên cạnh đó, có 6 ngân hàng giảm nhẹ lãi suất với mức chỉ 0,1%/năm ở một số kỳ hạn, tại quầy và online gồm: BacABank, Indovina, BaoVietBank, NCB, Nam A Bank, ABBank. Ngoài ra, có 3 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn gồm: Indovina, BaoVietBank và NCB. Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất tính đến ngày 10/12 là 4,04%/năm được áp dụng tại DongABank, đứng thứ 2 là CBBank với mức lãi suất 3,85%/năm, tiếp đó là VietBank với lãi suất 3,8%/năm. Tại các ngân hàng thương mại lớn, mức lãi suất cao nhất thuộc về VPBank với lãi suất 3,7%/năm. Các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 1,6 - 2,2%/năm, trong đó, Agribank đứng đầu với lãi suất 2,2%/năm. Với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng là kỳ hạn phổ biến được người dân lựa chọn, lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 12/2024 là 5,47%/năm được áp dụng tại DongABank. Ngân hàng Oceanbank áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm, mức cao thứ 2 hệ thống. Đứng top 3 là CBBank với lãi suất 5,45%/năm. Lãi suất tiết kiệm thấp nhất kỳ hạn 6 tháng vẫn được áp dụng tại nhóm big 4, dao động từ 2,9 - 3,5%/năm, trong đó, Agribank vẫn giữ vững ngôi đầu. Trong trường hợp có khoản tiền chưa cần sử dụng trong thời gian dài, kỳ hạn 12 tháng có mức lãi suất lý tưởng nhất, được nhiều ngân hàng áp dụng thêm chính sách các ưu đãi khác. Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietinbank, BIDV và Agribank áp dụng lãi suất 4,7%/năm. Vietcombank niêm yết lãi suất huy động thấp hơn, ở mức 4,6%/năm. Ngoài ra, tại một số nhà băng cũng đang áp dụng chính sách lãi suất đặc biệt khi gửi số tiền "khủng" ở kỳ hạn 12 tháng tại quầy. Chẳng hạn như, với số tiền gửi trên 200 tỷ đồng, có 4 ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 7%/năm gồm: HDBank là 7,7%/năm khi gửi trên 500 tỷ đồng; MSB là 7% với trên 500 tỷ đồng; DongABank 7,5% khi gửi trên 200 tỷ đồng; lãi suất PVCombank là 9,5% khi gửi trên 2.000 tỷ đồng. Lý giải "sóng" tăng lãi suất Trao đổi với phóng viên TBTCVN về “sóng” tăng lãi suất tiết kiệm quay trở lại sau nhiều tháng tĩnh lặng, bà Trần Kiều Oanh - Trưởng phòng Dịch vụ tài chính, Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup cho biết, lãi suất huy động của các ngân hàng tăng lên từ nửa cuối tháng 11 và duy trì ở mức cao cho đến đầu tháng 12, đặc biệt là đối với các gói huy động ngắn hạn từ 12 tháng trở xuống. "Cụ thể, lãi suất huy động trung bình cho các gói vay 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng đã tăng từ 7 - 9 điểm cơ bản trong khoảng thời gian từ ngày 3/10 đến ngày 3/12, phản ánh nhu cầu thu hút vốn vay của các ngân hàng trong giai đoạn cuối năm" - bà Oanh nêu rõ. Cũng theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11 từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại đạt mức 5%, cao hơn 14 điểm cơ bản so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm. Tiếp đà tăng lãi suất huy động sau hai tháng chững lại, MBS cũng cho rằng, xu hướng tăng này dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn. "Điều này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản" - nhóm phân tích từ MBS đánh giá. Bà Trần Kiều Oanh cho rằng, có 2 yếu tố chính thúc đẩy các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất ngắn hạn. Thứ nhất là áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Cuối năm là thời điểm quan trọng để các ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Trong bối cảnh thiếu vốn, nhiều ngân hàng gia tăng thu hút dòng tiền gửi ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu tín dụng đang gia tăng. Thứ hai, chi phí vốn gia tăng. Sự gia tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng tác động đến quyết định của các ngân hàng trong việc thu hút nguồn tiền gửi, nhằm giảm phụ thuộc vào vốn vay liên ngân hàng.
|