Chưa có tiền lệ Nghị quyết ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Bởi trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã mang đến những thách thức, khó khăn chưa từng có. Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong quý 3/2021 trên khoảng 3.000 doanh nghiệp cho thấy, gần 94% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”. Con số này tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020. Các doanh nghiệp trong hầu hết lĩnh vực, ngành nghề đều phải đương đầu với các khó khăn do dịch bệnh. 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Trước tình hình này, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành hàng loạt chính sách, không chỉ nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch mà còn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Vào cuối tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trước đó là Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19… Đáng chú ý nhất là Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19... Theo đánh giá của các doanh nghiệp, từ khi ban hành đến nay, những chính sách này đã có tác động tích cực đối với việc từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và mở cửa phục hồi các hoạt động kinh doanh. Đại diện Công ty TNHH Phúc Thịnh cho hay, thời điểm giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam đã khiến doanh nghiệp giảm 70% doanh thu. Trong khi đó, Công ty phải chi ra hơn 700 triệu đồng tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, lãi vay…, trong đó tiền thuê mặt bằng lên tới 150 triệu đồng mỗi tháng. Vì vậy, vị này rất hồ hởi trước chính sách gia hạn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đã được ban hành, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng và sẽ là nguồn lực tài chính quý giá để doanh nghiệp hỗ trợ người lao động, duy trì nguồn hàng khi sản xuất nhộn nhịp trở lại. Cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng, rủi ro về dịch bệnh là chưa có tiền lệ nên những chính sách hỗ trợ, các gói hỗ trợ cũng đều chưa có tiền lệ về quy mô, cách thức thực hiện, đối tượng thụ hưởng... Nhưng điều đáng mừng là Chính phủ vẫn không ngừng hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí còn đang tính toán đến những chính sách hỗ trợ rộng lớn hơn. Nhiều đánh giá cho rằng nếu thực thi tốt các chương trình hỗ trợ này thì tăng trưởng kinh tế có thể thêm 1-1,5 điểm %. Minh chứng là nhờ các chính sách hỗ trợ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong các tháng của năm 2021 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tín dụng, xuất nhập khẩu, thương mại… cũng liên tục gia tăng, nhất là khi càng đi về những tháng cuối năm 2021. Cần Gói hỗ trợ “thể chế” Thực tế là chính sách hỗ trợ chỉ đóng góp một phần cho sự phát triển của doanh nghiệp, phần lớn vẫn phải nằm ở khả năng và nội lực của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group cho biết, đại dịch gây khó nhưng nhờ đẩy mạnh số hóa nên kết quả kinh doanh vẫn rất khả quan. Tuy nhiên, đại dịch còn phức tạp, thêm những biến chủng mới nên các chính sách vẫn phải đóng vai trò “trợ lực”. Lãnh đạo Nafoods Group mong muốn các chính sách hỗ trợ phải được triển khai một cách nhanh nhất và tối giản nhất. Nhận xét về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho hay, chủ trương và chính sách hỗ trợ của Chính phủ khi ban hành đều được đánh giá cao, nhưng cần ban hành các văn bản hướng dẫn sao cho các thủ tục để nhận thụ hưởng được minh bạch và thuận lợi. Vị này kiến nghị, các chính sách và quy định đưa ra cần hướng tới giảm thiểu quy định về yêu cầu chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Chính phủ cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương để củng cố niềm tin cho cộng đồng kinh doanh và người dân. Còn theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, cơ quan soạn thảo văn bản cần lấy quan điểm hỗ trợ đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp là chính, không nên mang nặng tính an toàn. Các văn bản quy định cần sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, không nên để các bên lợi dụng, bóp méo tạo giấy phép con, tạo rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp. Có thể thấy, các doanh nghiệp và chuyên gia vẫn mong mỏi nhiều hơn về những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế để mọi chính sách được ban hành có thể “ngấm” đến đúng nhu cầu của doanh nghiệp, giúp tận dụng một cách tối đa, tránh lãng phí. Do đó, cách đây không lâu, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã đề nghị, cần có "gói cải cách" về thể chế ngoài những gói hỗ trợ. Vì để phục hồi cần phải có gói hỗ trợ, nhưng để phát triển bền vững thì cần có thể chế. Gói thể chế này cũng là một phần trong chương trình phục hồi bền vững, đây mới là gói cứu trợ mà doanh nghiệp mong mỏi nhất. |