Chiều cuối năm, nắng mềm như những dải lụa mới dệt. Ngoài đường, mọi người đang tất bật với những lo toan cho ngày xuân sắp đến, còn tôi lại ngồi trên tầng hai căn nhà, nơi căn phòng của mình nhìn ra cửa sổ. Tivi đang phát chương trình “Vào bếp với người nổi tiếng”. Tôi lắng nghe âm thanh phát ra về cách chế biến món cháo cá Nam Bộ trong đó. Âm thanh tiếng kèn saxo của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vang lên làm nền. Tôi bỗng phì cười khi nghĩ rằng, có một ngày tôi cũng sẽ vào bếp để nấu món cháo cá này mời anh. Nhưng tôi đang ngồi một mình bên cửa sổ chiều cuối năm đây này. Người đưa thư đã đi ngang qua nhà ném vào một phong thư. Tôi chạy xuống lấy, đó là một thiệp chúc tết của anh. Chiếc thiệp làm bằng một chiếc lá khô, có thể anh đã nhặt ở đâu đó quanh đảo. Anh viết trên chiếc lá: “Anh nhớ em quá. Tết gặp nhau nhé”. Tôi cười vu vơ với chiếc lá chúc tết của anh? Liệu tết anh có về được không? Hay là lại ở lại nơi ngọn hải đăng của mình?
Tôi ngồi trầm tư như thế, buồn lạ giống như nỗi buồn đang ở trong những cơn gió, đã len qua cửa sổ, tràn vào tôi. Cho đến khi tiếng chuông điện thoại réo giục. Tiếng Thúy: “Vẫn đang ở nhà à? Tối nay tụi tao có một party tổ chức tại nhà Thảo. Đi nhá? Tao giới thiệu cho một tay Việt kiều mới về nước, còn cô đơn”. Tôi chưa kịp ừ hử câu nào thì Thúy tắt máy. Tánh nó giống như đàn ông, chỉ thích người khác tuân phục mình. Thúy biết rằng, tôi không thích đám đông, tôi lại càng không ưa gì những cuộc hội họp bạn bè, cắp đôi nhau. Kể cũng lạ là Thúy giống như một bà mai mát tay, nó giới thiệu cặp nào là y như rằng họ đều trở thành vợ chồng. Còn tôi là một ngoại lệ, bởi vì lòng tôi đã nghiêng hẳn về anh. Dẫu rằng anh đang ở rất xa tôi, xa lắc.
Tuấn hơn tôi tới 12 tuổi. Anh rất dễ hòa nhập với đám đông, anh làm quen dễ dàng với bất cứ một người nào cận kề. Tôi gặp anh vô tình trong một tiệc cưới, hôm đó tôi đi một mình. Thúy cũng dự định giới thiệu cho tôi một anh chàng nào đó. Thật ra thì tôi cũng chẳng có một người đàn ông nào đi cùng mình trong một môi trường mọi người đều có đôi, có cặp. Tôi ngồi chung với lũ bạn cùng lớp, đứa nào cũng hớn hở ra mặt khi bên cạnh mình đều có người đàn ông mà mình thương yêu. Mỗi bàn có 10 ghế, Thúy sắp xếp cho một anh chàng ngồi gần tôi. Lạ cho tôi là chỉ nghe mùi nước hoa của anh chàng, nhìn chiếc khăn mu-xoa dắt trong túi áo, là tôi khó chịu. Tôi chỉ trả lời anh ta từng câu cho phải phép.
May mà bên cạnh tôi còn chiếc ghế trống và anh đã tới. Tiếng anh nói rất dịu dàng: “Xin lỗi, chỗ này tôi có thể ngồi được không?”. Thế là chỗ trống được lấp, tôi được anh chăm sóc như thể là tôi và anh cũng đã quen lâu lắm rồi. Anh là lính, lại là lính hải quân - cụ thể hơn anh là lính đảo, tối ngày canh giữ ngọn hải đăng để cho những con tàu khỏi lạc trong đêm. Anh không uống bia. Tôi ngạc nhiên: “Lính mà không uống được bia à?”. Anh cười: “Không phải không uống được, nhưng tôi chỉ uống khi buồn, còn lúc này thì đang vui”.
Tôi cho rằng, cuộc sống giống như những giấc mộng - không giấc mộng nào giống giấc mộng nào. Ngồi cạnh bên anh trong tiệc cưới, tôi vẫn cho đó là giấc mộng. Cho đến khi Lê - trong trang phục áo cô dâu ghé đến, gặp tôi ngồi bên anh. Lê cười: "Anh Tuấn hiền lắm, 35 tuổi rồi mà chưa có một mối tình vắt vai. Mai lo cho anh Tuấn dùm Lê nghen”. Tiệc cưới tan, vậy tưởng là hết, bởi những cuộc gặp ngẫu nhiên dường như chẳng mang lại một kết quả nào. Tôi về, hòa trộn với cuộc sống đều đặn của mình. Vẫn mỗi ngày đến lớp, vẫn những gương mặt học trò ngơ ngác nhìn cô. Ngoài cửa sổ lớp tôi dạy học có cây bàng lúc thì xanh lá, lúc thì đỏ lá. Thỉnh thoảng có những chú chim từ phương trời nào bay lạc, đậu lại hót vang.
Tôi không nghĩ rằng có ngày sẽ lại gặp anh. Bởi bạn bè nói rằng, tôi là người kén chọn, không chịu hẹn hò, không chịu dạo phố. Họ nói rằng tình yêu bây giờ giống như một chiếc bánh kem, nếu không ăn kịp thì những lớp kem xinh đẹp kia sẽ chảy tan đi, chiếc bánh sẽ trở nên xấu xí. Thật ra thì tôi cũng đã tập thử yêu đôi lần rồi đó. Thầy Hân dạy toán khá đẹp trai, chiếc kính cận gọng vàng xinh xinh, mái tóc uốn dợn giống như tài tử xinê. Nhưng nhìn cách anh xếp ngay thẳng những đồng bạc thẳng thớm bỏ vào trong ví tiền, thận trọng cài chiếc nút nơi túi quần cho khỏi rơi ví là tôi thất vọng. Cả chàng Ngọc quản lý cả một khách sạn gần 50 phòng ngay trung tâm thành phố cứ thích khoe của càng làm tôi thất vọng. Chẳng ai biết viết thư tình, còn anh lại chấp nhận cái lạc hậu của tôi, nắn nót từng dòng thư bên ghềnh đá nào đó dưới chân ngọn hải đăng, nhờ người đem xuống phố gởi cho tôi.
Sau lần gặp nhau trong đám cưới một tháng sau. Anh đợi tôi trước cổng trường vào một buổi sáng. Anh gọi như quen nhau rất thân: “Mai ơi, anh nè”. Lạ cho tôi chưa khi đi bên anh là vui. Cũng lạ khi nhìn gương mặt đen dạn dày muối biển tôi tưởng như mình vừa gặp một người đàn ông đẹp trai nhất trên thế gian này. Ngồi cùng anh bên quán cóc ven đường, anh tả cho tôi nghe ngọn hải đăng anh canh giữ. Anh nói như gió thổi qua ngọn hải đăng kia: “Em có dám ghé ngọn hải đăng một lần không?”. Tôi hất đầu cho tóc tung trong gió: “Dám chớ. Cả đời em có nhìn thấy hải đăng đâu? Rồi cũng ngay lưng chừng núi, giữa mênh mông biển, kề bên ngọn hải đăng kia là nụ hôn đầu.
***Bạn bè cười: “Bộ thế gian này hết người để yêu sao mà mày lại yêu một anh chàng gác hải đăng. Để rồi mỗi tháng chỉ gặp nhau được có một ngày”. Tôi mím môi: “Lâu lâu gặp nhau đỡ chán. Gặp nhau hoài chỉ tổ cãi nhau”. Nói thế, nhưng tôi nhớ anh lắm, tôi cũng muốn có anh bên mình để khi đất trời chuyển mùa, những cơn gió lộng thổi về thành phố. Tôi sẽ dắt anh ra hàng phi lao ven biển, bắt anh lắng nghe tiếng gió reo, mà nói: “Anh có biết gió đang nói gì không?”. Tôi muốn có anh bên mình để chấm dùm tôi chồng bài học trò cao trên bàn”.
Nhưng mùa này những cơn bão về liên tục. Anh phải ở lại ngọn hải đăng để cho tàu thuyền không lạc hướng. Anh cũng chẳng có thì giờ để viết thư cho tôi hay là không có người chuyển dùm thư anh bỏ vào bưu điện.Tôi ngồi nhìn buổi chiều trôi qua cửa sổ. Tôi mong anh đứng ở dưới đó, gọi vang lên: “Mai ơi. Có nhớ anh không?”. Rồi tôi sẽ bung chạy xuống những bậc cầu thang, cũng hét to: “Trời ơi, sao em nhớ ông bạn già của em quá”. Tôi vẫn gọi đùa anh là ông bạn già.
Tôi lấy chiếc gối ôm vào lòng. Tôi cười một mình khi nhìn những chiếc vỏ ốc xếp hàng dài bên thành cửa sổ. Anh đã nhặt những vỏ ốc từ biển, nơi anh ở về cho tôi. Tôi lấy một vỏ ốc kê vào tai, lắng nghe, bởi anh đã từng nói: “Khi nhớ anh, em kê tai vào vỏ ốc, anh nói tận nơi này em sẽ nghe được ở nơi đó”. Tôi nghe trong tiếng vỏ ốc: “Anh nhớ em”.