(CMO) Ở tuổi thất thập cổ lai hy, thương binh 3/4 Lâm Anh Lữ (ngụ Khóm 6, Phường 1, TP. Cà Mau) cho rằng: “Làm quan cao không bằng trí thức cao. Trí thức cao không bằng có thu nhập chính đáng cao. Người có thu nhập chính đáng cao không bằng người có tuổi thọ cao. Người có tuổi thọ cao không bằng vui sướng cao. Con người mưu cầu hạnh phúc là do sự vui sướng trong cuộc sống hợp thành. Do đó, đời vui là quý nhất!”.
Ông Lâm Anh Lữ vào bộ đội Cụ Hồ tham gia kháng chiến chống Mỹ vào những năm 60, trực tiếp xây dựng, rèn luyện và chỉ huy đơn vị Biệt động tại thị xã Cà Mau. Đến năm 1972, đơn vị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, là thương binh 3/4, ông được chuyển ngành vào năm 1979. Đến năm 1994, ông nghỉ hưu vì lý do sức khoẻ.
Hết lòng vì đồng đội
Ông tư lự: “Trước khi về nghỉ hưu, bản thân tự nghiên cứu học hỏi, tìm tòi những phương pháp khám, chữa bệnh trong lĩnh vực Đông y nên tôi xin phép Sở Y tế mở quầy thuốc Đông dược tại gia đình để vừa hành nghề, vừa hướng dẫn cho con cái học nghề y nhằm cứu chữa cho mọi người, trong đó chủ yếu là các bệnh nhân nghèo. Nhờ đó, các con noi gương cha quyết tâm phấn đấu học hành đỗ đạt và hành nghề Dược (người thứ 2 thành lập Công ty Cổ phần Dược tại Khóm 2, Phường 1; người thứ 3 hiện là bác sĩ Đông y của Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Cà Mau)”.
Ông Lâm Anh Lữ tự trồng rau muống, rau lang, lục bình làm thức ăn cho heo rừng.
Nhờ tiết kiệm chi phí để nuôi heo rừng, mỗi năm ông Lâm Anh Lữ thu lợi từ 30-40 triệu đồng.
Thời điểm này, ông còn sinh kế bằng việc đổi nước mưa. “Hồi đó, pha trà hay làm tàu hủ đều phải dùng nước mưa mới ngon, nên tôi xây cái hồ hơn 40 m3 (chứa khoảng 1.000 đôi nước) chứa nước mưa để đổi. Hồ nước mưa bằng làm 10 công ruộng chứ ít đâu”, ông Lữ cười khanh khách. Theo ông, cũng nhờ nghề đổi nước mà “tiếng lành đồn xa”, nhiều người biết đến quầy thuốc nhà ông, ăn nên làm ra cho đến tận bây giờ.
Tích luỹ dần, an cư lạc nghiệp, người lính Cụ Hồ năm xưa dành phần nhiều thời gian để thăm hỏi đời sống đồng đội và người thân của những người đã hy sinh. Ai mạnh, ai yếu, ai cần thăm nom, giúp đỡ, ông tích cực vận động giúp họ vượt qua khó khăn, sống khoẻ, sống vui. Ngày tròn 30 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975-30/4/2005), ông tổ chức buổi họp mặt ngay tại nhà mình để làm mâm cơm cúng đồng đội và thăm hỏi nhau.
“Anh em tứ xứ về đây họp mặt vui lắm. Những câu chuyện kể, những cái bắt tay, bá vai, cười nói, xen lẫn những bùi ngùi vì đất nước hoà bình rồi mà một số anh em đồng đội đời sống vẫn cơ cực, thiếu thốn, vậy là tụi tôi xây dựng quỹ thăm viếng, giúp đỡ. Mừng là đến nay đã 13 năm, vẫn duy trì tốt buổi họp mặt 30/4. Và nhờ nguồn quỹ đóng góp, nhiều hộ có nhà, có sở làm, cuộc sống cải thiện hơn”, ông Lâm Anh Lữ cho hay.
Không chỉ hỗ trợ về kinh tế từ nguồn quỹ, bản thân ông còn trực tiếp hỗ trợ vốn, cây, con, giống... để giúp đồng đội, người thân ổn định kinh tế. Mỗi khi hay tin ai nằm viện, ai cần trợ giúp, là ông đến thăm tận nơi, trao tận tay các phần quà hỗ trợ. Với ông, “vật chất nhỏ, nghĩa tình lớn. Người cho đi và người nhận lại đều ấm lòng”.
Giỏi làm kinh tế
Rời quân ngũ, có khoảng thời gian chân ông phải đi tó (bị thương do đạp chông của du kích), cánh tay phải thì tập vật lý trị liệu (do bị đạn bắn xuyên), nhưng ông Lâm Anh Lữ có nghị lực vượt khó, tự tìm các bài thuốc Đông y trị liệu, rồi ông năng đạp xe đạp, luyện tập để đi lại, vận động cánh tay... Dẫu vậy, nhưng chưa bao giờ ông ngơi làm kinh tế.
Tích vốn từ việc đổi nước, hành nghề y và do sở nguyện, thú vui nuôi trồng, từ một khoảnh đất trũng phèn sình lầy đang ở (thuộc Khóm 6, Phường 1, ông mua được từ năm 1986, khoảng 8.000 m2) bước đầu không nuôi trồng được gì khi tôm sú, cá bống tượng, dây thuốc cá đều chết; trồng lúa cũng không hiệu quả; nuôi gà, vịt thì bị trộm cắp, đến năm 2008, ông quyết tâm củng cố, cải tiến phương cách quản lý và nuôi trồng.
Ông cho biết, để quản lý tốt cây trồng, vật nuôi, ông xây dựng rào chắn, có lưới bảo vệ khuôn viên chống trộm cắp. Về đất đai, ông quy hoạch và cải tạo lại toàn bộ diện tích, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và vật nuôi khỏi bị phèn chua, phèn mặn xâm thực. Ông phân rõ, ao ra ao, bờ ra bờ, liếp ra liếp và ông bắt đầu nuôi thử nghiệm các loài cá từng thích nghi vùng đất này như cá rô phi, cá lóc, sặt bổi, ếch… Còn cây trồng thì chọn lựa những loài thực vật dễ sống với đất phèn mặn như: cây xanh, chuối, rau lang, rau muống… Khi có các loại rau, ông bắt đầu xây chuồng nuôi heo nhưng vẫn đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ông tận dụng chuối cây, cắt trộn với cám để nuôi gà, vịt... Từ đó, công việc nuôi trồng dần dần phát triển.
Sau 5 năm, gia đình ông thu hoạch được hơn 1 tấn cá các loại; ếch con bán cho khách hàng khoảng 10.000 con. Chuồng nuôi heo 6 con, trong đó có 1 heo nái. Ngoài ra, còn có 2 ao nuôi khoảng 1.000 con ba ba; 20.000 ếch con; 1 ao chuyên nuôi cá bổi. Đất vườn sau khi cải tạo, quy hoạch có vài chục gốc thanh long, gốc xoài đến mùa thu hoạch cho trái đều đặn.
Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Lâm Anh Lữ phát triển thêm mô hình sản xuất, kinh doanh, quy hoạch 4 ao nuôi cá tra. Thức ăn cho cá chủ yếu đi thu gom đầu vỏ tôm giá rẻ, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 6-8 tấn cá thịt, thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng/năm. Đồng thời, xây dựng 1 chuồng nuôi heo rừng, trong chuồng thường có từ 10-20 con heo lớn nhỏ; hằng năm bán từ 10-20 con heo từ 15-30 kg/con. Thức ăn cho heo cũng hoàn toàn tự trồng như: rau muống, rau lang, chuối cây, lục bình... Ông còn lấy cặn ở các hàng quán để nuôi heo nhanh tăng trọng. Thu nhập hằng năm từ heo rừng khoảng 30-40 triệu đồng.
Gần đây, ông Lữ còn xây dựng thêm một cơ sở sấy khô tôm tích (một loại hải sản thiên nhiên trước đây không có giá trị kinh tế gì, nay được gia công chế biến thành đặc sản bán ra thị trường), gồm 1 phòng sấy khoảng 30 m2, một láng cắt lột tôm khoảng 100 m2, thường ngày sử dụng từ 10 -20 lao động, mỗi lao động thu nhập từ 100.000-200.000 đồng/ngày, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho lao động nhàn rỗi, góp phần vào công tác an sinh xã hội tại địa phương.
“Thương binh tàn nhưng không phế!”, ông Lâm Anh Lữ khẳng định. Ông đã minh chứng bằng những thành tựu trong sản xuất và nuôi trồng. Ông cười, “Phần lớn là nhờ bản thân biết phấn đấu, cần cù lao động sáng tạo, chủ động tìm tòi học hỏi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào việc nuôi trồng và mạnh dạn thử nghiệm mô hình làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước các cấp, các ngành liên quan giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt và thuận lợi cho gia đình tôi làm ăn phát triển kinh tế gia đình đạt được kết quả như mong muốn”.
Từ những nỗ lực, ông Lữ đã xây nên nhà ở khang trang; cuộc sống thường ngày có của ăn của để và đủ điều kiện đóng góp phần nào vật chất, tiền của trong các phong trào vận động quyên góp của Hội Cựu chiến binh (hiện ông là Uỷ viên BCH Hội Cựu chiến binh tỉnh) và các phong trào khác tại địa phương. Cuộc sống tinh thần và sức khoẻ ổn định, thoải mái, nhưng ông vẫn quả quyết: “Vẫn phải làm. Nghỉ là buồn dữ lắm! Không trồng cây, nuôi con gì thì cũng kiếm chuyện khác để làm. Làm mới khoẻ, mới thấy vui, mới thấy đời luôn tươi mới!”. Ông còn chia sẻ vui rằng, hiện nay ông là nhà “đầu tư” lớn cho con cháu vì hễ đứa con nào sinh kế mần ăn chính đáng là ông hỗ trợ vốn. Về phần mấy đứa cháu, đỗ đại học ông đầu tư ngay cái máy vi tính “xịn”; còn muốn đi học nghề, ông “cấp vốn” ngay.
Ông Lâm Anh Lữ cười chân chất: “Sống vui cho người khác là sống vui cho mình. Đời cứ vui sẽ khoẻ, sẽ là người giàu có!”./.
Băng Thanh
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 vừa qua, ông Lâm Anh Lữ là 1 trong 6 tấm gương người có công với cách mạng tiêu biểu dự hội nghị biểu dương toàn quốc năm 2018. Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, ông tự hào đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.