Để góp phần đưa hiện vật và những câu chuyện gắn liền với hiện vật, gắn với di sản và truyền thống dân tộc đến với công chúng, tháng 12/2014, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh tạm thời sử dụng 3 phòng thư viện để lắp đặt hệ thống kệ trưng bày, xây dựng thành phòng triển lãm hình ảnh, hiện vật để Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Ðặc biệt, nơi đây đã trở thành địa điểm học tập, giáo dục truyền thống cho học sinh, triển khai tốt chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Để góp phần đưa hiện vật và những câu chuyện gắn liền với hiện vật, gắn với di sản và truyền thống dân tộc đến với công chúng, tháng 12/2014, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh tạm thời sử dụng 3 phòng thư viện để lắp đặt hệ thống kệ trưng bày, xây dựng thành phòng triển lãm hình ảnh, hiện vật để Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Ðặc biệt, nơi đây đã trở thành địa điểm học tập, giáo dục truyền thống cho học sinh, triển khai tốt chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Hiện có 176 hình ảnh, 87 hiện vật tái hiện hiện thực thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân, dân Cà Mau; 110 hình ảnh và 77 hiện vật về văn hoá Kinh - Hoa - Khmer được trưng bày tại các phòng của thư viện. Lối trưng bày sinh động, vừa khoa học, thẩm mỹ, vừa bảo đảm tính đặc trưng của tỉnh.
Buổi học ngoại khoá bổ ích của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tại phòng trưng bày của Bảo tàng tỉnh. |
Ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết, tính đến hết tháng 3/2015, phòng trưng bày đón hơn 1.500 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Nhiều khách tham quan đánh giá cao và coi đây là “địa chỉ đỏ” trong các hoạt động thường xuyên của đơn vị mình như: tìm hiểu truyền thống lịch sử tỉnh của các đồng chí lão thành cách mạng; tham quan, học tập ngoại khoá nhằm bổ trợ cho các môn học lịch sử của các trường học...
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi là đơn vị trường học đi đầu trong việc ký kết kế hoạch phối hợp tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ngoại khoá tại Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh. Trường không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức về truyền thống lịch sử của cha ông, giúp các em có thêm hiểu biết về tự nhiên, xã hội, về con người, phong tục, tập quán của các dân tộc; mà còn tạo điều kiện cho các em có sân chơi bổ ích và lý thú; đồng thời, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh: văn hoá đọc, ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng giao tiếp, tính tập thể…
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi Quách Phăng Ri chia sẻ, hoạt động ngoại khoá được tổ chức từ tháng 3 đến nay đã tạo hiệu ứng rất tốt trong học sinh. Trường có 31 lớp, mỗi tuần sắp xếp cho học sinh tham quan từ 1 buổi trở lên, mỗi buổi 2-3 lớp, với số lượng từ 70-100 em. Ngoài việc tham quan tại các phòng trưng bày của bảo tàng, các em còn được xem phim thiếu nhi, đọc sách, báo, vẽ tranh và làm quen với công nghệ thông tin (soạn thảo văn bản, truy cập internet)… Bên cạnh, nhà trường còn tổ chức cho các em tham quan Khu Tưởng niệm Bác Hồ (2 lớp/tháng), các chuyến dã ngoại về nguồn…
Hiệu quả bước đầu của việc ký kết phối hợp này góp phần tạo ra hoạt động văn hoá, giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau Lý Hoàng Vũ thông tin, ngay sau các hoạt động ngoại khoá được tổ chức, các em học sinh còn rủ thêm bạn bè trường bạn đến thư viện tham quan, đọc sách, báo, sử dụng máy tính… như để chia sẻ về điểm học tập bổ ích ngoài giờ. Ðây chính là tín hiệu đáng mừng vì đã giúp học sinh (đặc biệt cấp tiểu học) hình thành những thói quen tốt. Qua thăm dò ý kiến, đa số phụ huynh đều đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh đã và đang xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược về chương trình hoạt động. Ngoài công tác chuyên môn sẽ đa dạng hoá hoạt động dịch vụ công chúng tham quan phù hợp với chức năng nhiệm vụ của 2 đơn vị, mở rộng mối liên hệ với các địa phương, cơ quan, trường học, các hãng lữ hành du lịch, nhằm hướng tới xây dựng sản phẩm văn hoá du lịch độc đáo, thu hút công chúng yêu bảo tàng, yêu văn hoá dân tộc, phục vụ đắc lực nhu cầu nghiên cứu, học tập và khám phá giá trị nhân văn công chúng./.
Bài và ảnh: Băng Thanh