Sáng 10/4/2017, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam – châu Á năm 2017. Theo ADB, việc chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp của Việt Nam là hết sức quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và cho phép Việt Nam vươn lên vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao. Cải cách nông nghiệp là then chốt để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng. Sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết bớt biến động hơn. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng khu vực này tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế Việt Nam, làm giảm đà tăng trưởng chung. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu: “Nông nghiệp đã luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu kể từ khi chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011”. Báo cáo cũng nhấn mạnh do Việt Nam đang phục hồi sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thập niên, việc thúc đẩy tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ có tầm quan trọng sống còn để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. “Trong khi Việt Nam tiếp tục khắc phục những tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, các cải cách sâu rộng hơn và nguồn vốn đầu tư lớn hơn cho lĩnh vực này sẽ có vai trò then chốt để tăng năng suất nông nghiệp và bảo đảm tăng trưởng đồng đều và bền vững về môi trường trong dài hạn”, ông Sidgwick nói thêm. Theo nhận định của ADB, để chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam, cần giải quyết một số thách thức cơ bản trong chính sách – bao gồm tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang lại giá trị gia tăng cao hơn, áp dụng các thông lệ quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn, và tích hợp hiệu quả hơn những cân nhắc về biến đổi khí hậu vào trong các quy trình ra quyết định. Cũng theo báo cáo, mức kỷ lục được duy trì trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ thúc đẩy ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi dòng thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh của Việt Nam, được dự báo tăng gấp đôi so với hiện nay lên 33 triệu người vào năm 2030, cũng sẽ giúp gia tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ. Tại buổi họp báo, ông Eric Sidgiwick và ông Aaron Batten đã trả lời một số vấn đề báo chí quan tâm về thu hút đầu tư nước ngoài, giải pháp cải thiện nguồn thu nhờ cổ phần hoá, áp lực nợ công, nâng cao thu nhập của người nông dân, giải pháp về năng lượng cho Việt Nam trong tương lai... |