Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 7/12/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến việc Quốc hội đã chốt tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, trong đó đã quyết định tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo tờ trình của Chính phủ. Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, rà soát, báo cáo lên Chính phủ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở đồng ý chủ trương, hiện nay vấn đề đặt ra là triển khai thế nào cho phù hợp. Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành có liên quan và Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ. Trong đó Chính phủ yêu cầu phải hoàn thiện thể chế pháp luật, trên cơ sở Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, trong tuần này, Chính phủ họp đã thông qua dự kiến và sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Cùng với đó là các hệ thống pháp luật khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường… để hội tụ đủ cho thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Ban chỉ đạo dự kiến do đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và một Phó Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên gồm các Bộ trưởng các ngành có liên quan. Tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và dự kiến sẽ gồm đại diện của các bộ, ngành có liên quan cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học về phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng Tổ công tác sẽ là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ngoài ra, để có thể triển khai được, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện VIII. Cùng đó, Bộ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư dự án, là vấn đề quan trọng vì đây là chủ thể quan trọng gắn với triển khai, đề xuất, nghiên cứu, xây dựng và vận hành dự án. Đối với địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu và sớm tạo điều kiện có mặt bằng sạch cũng như tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương để thuận lợi nhất cho quá trình triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Về thuận lợi, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay là đã đạt được sự đồng thuận rất cao, nên có rất nhiều thuận lợi. Nhưng cũng có một số thách thức, đó là câu chuyện lựa chọn công nghệ đảm bảo an toàn... Nhưng hiện nay công nghệ rất tiên tiến, có rất nhiều công nghệ mới và đảm bảo an toàn ngày càng cao. Về xác định tổng mức đầu tư, Thứ trưởng nêu rõ: "Dự kiến sơ bộ con số chưa phải chính xác nhưng chắc chắn cũng phải hàng tỷ đô, do còn phải tùy thuộc vào quy mô, vị trí, yêu cầu công nghệ và cả yêu cầu về vấn đề an toàn".
|