3 năm không xin được giấy phép
Là một “nạn nhân” của việc thiếu văn bản hướng dẫn thi hành Luật,ấttiềntỷchỉvìchờvănbảnhướngdẫtỷ lệ kèo pro Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn nếm trải đủ các khó khăn. Trong văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn trình bày: Năm 2012, công ty bắt đầu nâng cấp phòng khám đa khoa quốc tế thành Bệnh viện đa khoa. Tháng 3-2013, Công ty nộp đề án đánh giá tác động môi trường của Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn lên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Vấn đề là Sở này không nhận hồ sơ, nguyên nhân đưa ra là do có văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đánh giá tác động môi trường, chờ hướng dẫn mới vì phải sửa Luật Bảo vệ môi trường. Năm 2014 và 2015, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn tiếp tục nộp hồ sơ lên Sở và đều bị từ chối với lý do dù Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23-6-2014 và Chính phủ ban hành Nghị định 18/2015/NĐ-CP hướng dẫn ngày 14-2-2015 nhưng đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn thi hành?
“Sau một thời gian dài thuyết phục thì Sở Tài nguyên và Môi trường đồng ý tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa thể tổ chức thẩm định để phê duyệt vì phải chờ văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2015/NĐ-CP” – theo phản ánh của Công ty.
Sự chậm trễ này khiến Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn thiệt hại nặng nề. Văn bản của Công ty nêu rõ: Để thực hiện dự án, chúng tôi phải làm đồng bộ từ đầu tư xây dựng đến nhập trang thiết bị y tế và chuẩn bị nhân sự y bác sỹ phục vụ cho bệnh viện. Vì vậy từ năm 2012 đến 2013 chúng tôi đã nhập thiết bị cho bệnh viện với giá trị lên đến 480 tỷ đồng và đã tuyển chọn đội ngũ bác sỹ, y tá, điều dưỡng gồm 120 người từ năm 2013 đến nay. Nhưng bệnh viện không thể nộp hồ sơ xin thẩm định tại Bộ Y tế để Bộ Y tế cấp Giấy phép cho bệnh viện đi vào hoạt động được mà nguyên nhân duy nhất vì trong hồ sơ gửi Bộ Y tế chưa có văn bản thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn giãi bày về hậu quả của 3 năm “chờ đợi trong vô vọng”: Kết quả là thiết bị y tế nhập về và lắp đặt đã hết thời hạn bảo hành mà vẫn chưa đưa vào hoạt động, thậm chí có một số thiết bị đã lạc hậu so với hiện nay. Hơn nữa, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã tuyển và đào tạo 3 năm nay bỏ đi làm ở bệnh viện khác gần hết. Hậu quả là DN tổn thất không phải hàng chục tỷ đồng mà hàng trăm tỷ đồng vì các thủ tục từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sốt ruột
Trường hợp của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn không phải là cá biệt. Câu chuyện của ngành giấy cũng “đau đớn” không kém. Theo phản ánh của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có thủ tục NK phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất đã khiến DN ngành giấy phải lao đao. Bởi lẽ thiếu văn bản hướng dẫn, các Sở Tài nguyên và Môi trường không làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu của các DN ngành giấy khi các Giấy chứng nhận cũ hết thời hạn hoặc sắp hết thời hạn. Như vậy, DN không thể nhập nguyên liệu về sản xuất.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, năm 2014 các DN sản xuất giấy trong nước sử dụng hơn 2 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất giấy trong đó có hơn 1,5 triệu tấn giấy loại. Việc không thể NK giấy loại cho sản xuất giấy khiến cho 31,2% tổng công suất của toàn ngành phải ngừng hoạt động hoặc 40% năng lực sản xuất giấy làm bao bì phải ngừng hoạt động. “Việc ngưng trệ sản xuất ở quy mô này là thảm họa cho ngành giấy, kéo theo hàng vạn lao động không có việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội và tới việc lưu thông và XK hàng hóa do không có bao bì” – Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phản ánh. Vì thế, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đề nghị có biện pháp cấp bách giúp ngành giấy duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động, góp phần vào việc phát triển kinh tế chung.
Việc nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành Luật là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm nay và thiệt hại cho DN, nền kinh tế là không nhỏ. Trường hợp của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam là những mất mát rất lớn về kinh tế và sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Cuối năm 2014, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc ở cương vị Đại biểu Quốc hội từng phát biểu: Nhiều Luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời với hiệu lực của Luật. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt. Người dân, DN chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn.
Những phát biểu trên còn nguyên tính thời sự. Đơn cử như ngày 1-7, khi một loạt Luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật DN có hiệu lực thì nhiều văn bản hướng dẫn vẫn trong trạng thái “chờ”. Các bộ ngành mới giải quyết “chiếu cố” các văn bản “chữa cháy” tạm thời.
Bởi thế, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2015, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các Thông tư thuộc thẩm quyền ngay trong quý III-2015; và hoàn thành soạn thảo các Nghị định thuộc thẩm quyền đã được giao chậm nhất trong quý IV-2015; không để kéo dài sang năm 2016 như Kế hoạch hành động của phần lớn các bộ…