(CMO) Báo Cà Mau đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng khai thác đất ruộng trên địa bàn huyện Thới Bình và TP. Cà Mau từ ngày 20/3. Vấn đề nổi cộm hiện nay là việc xử lý ngăn chặn tuy có quy định tại Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 16/1/2018 của UBND tỉnh Cà Mau và Công văn số 184/STNMT-TNNKS ngày 31/1/2018 của Sở TN&MT nhưng chưa được thực hiện hiệu quả.
Khi báo Cà Mau phản ánh tình trạng rầm rộ trong khai thác khoáng sản, đến ngày 10/4/2018, Sở TN&MT ban hành Công văn số 697/STNMT-TNNKS về việc tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản trên địa bàn các huyện, thành phố. Song, cũng như đã đánh giá, cứ bịt vùng này thì khu vực khác lại rầm rộ. Ngay cả ở xã nông thôn mới và khu vực quy hoạch cánh đồng lớn, tình trạng này vẫn diễn ra.
Nhiều trường hợp tái phạm
Việc phát hiện, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển đất là khoáng sản để san lấp đã được quy định cụ thể tại Công văn 184 của Sở TN&MT, nhưng khi phát hiện hộ ông Trương Văn Tẻng khai thác đất trái phép ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình thì UBND xã này xử phạt hành chính 2 triệu đồng.
Thực trạng khai thác đất ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình khi bị phát hiện. |
Trường hợp khi báo Cà Mau phản ánh tình trạng khai thác đất ở Ấp 4, xã An Xuyên, TP. Cà Mau thì Phòng TN&MT thành phố lại không căn cứ vào những điều, khoản tại Nghị định số 33/2017 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Bên cạnh đó, đơn vị này lại căn cứ vào các nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, việc áp dụng hình thức xử lý như thế từ vi phạm khai thác khoáng sản trái phép được chuyển hoá thành vi phạm trong chuyển đổi hình thức sử dụng đất. Kéo theo hình thức xử phạt và số tiền xử phạt cũng giảm.
Theo thông tin (nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau và Sở TN&MT tỉnh), sau khi báo Cà Mau phản ánh thực trạng khai thác đất ở Ấp 4, xã An Xuyên, Phòng PC49 (Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Cà Mau) đã xác minh và báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xử phạt chủ khu vực khai thác này với mức 90 triệu đồng.
Ở cả 2 hình thức xử lý trên cùng một điểm khai thác Ấp 4, xã An Xuyên của PC49 và Phòng TN&MT thành phố lại hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, để đo đạc khối lượng đất đã được mang đi, phía Phòng Kinh tế - Hạ tầng TP. Cà Mau đo đạc đến ngày 20/3, khu vực khai thác đất của ông Trần Văn Biên đã lấy đi 200 m3 đất vào ban đêm (có biên bản), trong khi Phòng PC49 Cảnh sát môi trường tỉnh đo đạc được khối lượng đã lấy đi tại khu này khoảng 19.000 m3. Một sự chênh lệch không thể tưởng.
Ở khu vực xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau và xã Tân Phú, huyện Thới Bình, sau khi phát hiện phương tiện vi phạm khai thác đất là khoáng sản trái phép, các đơn vị đã áp dụng hình thức xử lý theo Công văn 184 của Sở TN&MT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau.
Thực trạng khai thác đất ở xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau ngày 26/4. |
Tuy nhiên, xử lý vi phạm ở các trường hợp này đều ở mức cao (đề nghị xử phạt 40-50 triệu đồng ở xã Lý Văn Lâm và đề nghị xử phạt 20 triệu đồng ở xã Tân Phú) vì các đối tượng vi phạm này đã từng bị xử lý trước đó (áp dụng tình tiết tăng nặng).
Chưa phối hợp chặt chẽ trong ngăn chặn, xử lý
Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau Bùi Quang Thái cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị này chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xe quá khổ, quá tải và vận chuyển vật liệu làm rơi vãi trên đường. Còn việc xử lý, phân loại xử lý vi phạm trong vận chuyển khoáng sản, đơn vị chưa phát hiện (ngoài trường hợp ở Thới Bình, khi tổ kiểm tra huyện phát hiện rồi báo cáo Thanh tra sở phối hợp hướng dẫn xử lý). Đơn vị chỉ phối hợp khi các địa phương có yêu cầu, còn riêng đơn vị thì không có căn cứ để xác định đó là vận chuyển khoáng sản trái phép để tiến hành xử lý theo Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 16/1/2018 của UBND tỉnh.
Ông Lâm Bảo Xuyên, Phó trưởng Phòng TN&MT TP. Cà Mau, thông tin: “Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể để tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm”.
Cũng theo ông Xuyên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình xử lý là biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Theo đó, trường hợp khai thác đất mặt trái phép của hộ ông Trần Văn Biên trên địa bàn Ấp 4, xã An Xuyên, Phòng TN&MT thành phố đã ra Quyết định số 1067 ngày 27/3/2018 về xử phạt hành chính với số tiền 15 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng. Tuy nhiên, đến nay việc khôi phục vẫn chưa thể thực hiện.
Khi xảy ra vi phạm, các địa phương đều cho là rất khó để xử lý, thế nhưng tại Công văn số 894 trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Cà Mau ngày 8/5/2018, Sở TN&MT lại khẳng định: “Chưa thấy đơn vị, địa phương nào phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản. Riêng 2 địa phương, huyện Thới Bình và TP. Cà Mau, sở yêu cầu báo cáo cụ thể về thực trạng khai thác đất mặt để báo cáo UBND tỉnh”.
Rõ ràng việc khôi phục hiện trạng ban đầu sau khi đã khai thác đất mặt là điều gần như không thể. Do đó, chỉ có cách ngăn chặn ngay từ đầu. Đồng thời, nên chăng có quy hoạch vùng, điểm cấp phép khai thác hay tạo dựng được “ngân hàng đất”, bởi hiện nay nhu cầu san lấp trong dân rất lớn. Về vấn đề này, Sở TN&MT thông tin: "Không thể thực hiện được. Bởi lẽ, theo quy hoạch sử dụng vật liệu chung của cả nước và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1977 ngày 26/12/2013 không có quy hoạch đất để làm vật liệu san lấp mặt bằng".
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc san lấp mặt bằng, Sở TN&MT cũng thông tin thêm: "Ngày 11/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1618/QĐ-UBND về việc công bố danh mục dự án xã hội hoá nạo vét, duy tu, đảm bảo giao thông kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến đường thuỷ nội địa của địa phương".
Đến nay, đã có 5 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho chủ đầu tư thực hiện dự án nạo vét luồng thuỷ quốc gia, vùng nước cảng, bến thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định.
Như vậy, sau gần 2 tháng phản ánh về thực trạng khai thác đất là khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã có những động thái nhất định. Song, vì nhu cầu sử dụng đất để san lấp và ảnh hưởng giá cát san lấp tăng thời gian qua đã vô tình thúc đẩy việc khai thác đất trở nên rầm rộ./.
Phong Phú - Nguyễn Phú