Bằng nhiều cách làm linh động,ụngHiệplậpthnlậpnghiệtucuman thời gian qua, các cấp bộ đoàn ở huyện Phụng Hiệp đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế, qua đó giúp không ít thanh niên trong huyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức đoàn, anh Thừa đã xây dựng thành công mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Xuất thân trong một gia đình đông con, lập gia đình với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ tham gia sinh hoạt chi đoàn ấp, anh Lý Văn Thừa, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, được giới thiệu tham quan nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả. Năm 2012, anh vay được 5 triệu đồng rồi đầu tư mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Theo anh Thừa, lý do để chọn mô hình này là ngoài việc hiệu quả kinh tế như heo mau lớn, bán được giá cao hơn nuôi theo kiểu truyền thống, mô hình còn giúp giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chính vì thế, sau 3 năm áp dụng, anh Thừa đã tích cóp được một số vốn. Anh Thừa chia sẻ: “Đến nay, đời sống kinh tế gia đình đã khấm khá hơn, không còn chật vật như trước kia”.
Heo nuôi trên đệm lót sinh học có ưu điểm là mau lớn, thời gian xuất chuồng sớm hơn cách nuôi truyền thống từ 10-15 ngày. Vì vậy, mỗi năm anh Thừa có thể xuất chuồng 3 đợt, mỗi đợt khoảng 25-30 con, thu nhập trên 100 triệu đồng. Có thu nhập khá, anh Thừa tiếp tục đầu tư vào mô hình nuôi trăn trên đệm lót sinh học. Từ một vài con trăn giống ban đầu, đến nay gia đình đã có tổng đàn trăn trên 230 con. Với giá bán ổn định như hiện nay ở mức 350.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu về hơn 50 triệu đồng.
Thông qua việc xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, đến nay, toàn huyện có trên 50 mô hình, 49 câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm thanh niên làm ăn hiệu quả thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Như CLB bán muối ở ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, do anh Nguyễn Thanh Nhiều, Bí thư Xã đoàn Hiệp Hưng, làm chủ nhiệm.
Với 8 thành viên ban đầu khi mới thành lập (năm 2009), giờ đây, CLB bán muối có 22 thành viên, trung bình mỗi ngày bán cho thu nhập trên 600.000 đồng/thành viên. Anh Nguyễn Thanh Nhiều cho hay: “Xuất phát từ thực tế thấy, nhiều thanh niên trong xã không có công việc ổn định nên Ban Thường vụ Xã đoàn tham mưu cho cấp có thẩm quyền củng cố lại CLB bán muối. Ban đầu chỉ có vài thành viên, hoạt động chủ yếu từ các phương tiện có sẵn. Qua một vài chuyến đi, thấy hiệu quả kinh tế khá cao nên CLB đã mạnh dạn xin vay vốn để mua vỏ máy, thu hút nhiều thanh niên trong xã tham gia”.
Hiệu quả của mô hình mang lại góp phần tích cực trong việc giúp các thành viên trong CLB vươn lên thoát nghèo. Từ 8 thành viên thuộc diện hộ nghèo khi mới thành lập CLB, đến nay, 100% đã thoát nghèo. Anh Trần Văn Quả, thành viên CLB bán muối ở ấp Long Phụng, cho biết: “CLB đứng ra làm đầu mối nhận muối về rồi phân phát cho các thành viên đi bán. Chính nhờ sự tương trợ của anh em đi trước, người khá tạo điều kiện cho thành viên khó khăn có cơ hội làm ăn, nên giờ đời sống của anh em trong CLB khá hơn. Hiện nay, CLB đang nhân rộng, phát triển thêm hội viên”.
Anh Lê Hoàng Khương, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp, cho biết: Thông qua cuộc vận động “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo” được phát động thời gian qua, các cấp bộ đoàn từ huyện đến cơ sở đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các ban, ngành, đoàn thể. Từ đó, xây dựng được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần giúp cho thanh niên nông thôn vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Huyện đoàn sẽ tiếp tục chọn những mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất từng nơi để nhân rộng, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.
Bài, ảnh: THANH DUY