Lên kế hoạch về mua bán, hợp tác Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ mới được công bố, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc, đồng thời có thể nắm bắt cơ hội tiếp tục tăng trưởng quy mô và mạng lưới hoạt động. Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT không chỉ trình cổ đông thông qua thương vụ bán vốn 1,5 tỷ USD cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation mà còn trình cổ đông giao HĐQT chủ động thực hiện các giao dịch liên quan đến góp vốn, mua cổ phần, mua lại công ty con, liên kết, hợp tác hoặc tham gia các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém… Báo cáo của HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) cũng đưa ra định hướng trong năm 2023 là sẽ chỉ đạo, giám sát việc tiếp tục triển khai các phương án tái cơ cấu như mua bán, sáp nhập…, củng cố, phát triển mối quan hệ với các đối tác trong nước và quốc tế nhằm mở rộng quy mô ngân hàng. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam. HĐQT MSB cho biết, mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm tăng quy mô hoạt động của MSB và triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng. Tập trung nhiều giải pháp để cải thiện lợi nhuận Đáng chú ý nhất tại các báo cáo về ĐHĐCĐ các ngân hàng năm nay là tình hình lợi nhuận được đề ra khiêm tốn hơn. Thậm chí, hiện đã có 2 ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm so với năm trước. Cụ thể là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) dự kiến lợi nhuận năm 2023 là 16 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 61% so với lợi nhuận thực hiện năm ngoái là 41,2 tỷ đồng. Báo cáo của NCB lý giải, dự báo năm 2023, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức, như rủi ro vỡ nợ chéo từ trái phiếu, bộ đệm an toàn vốn toàn thị trường còn mỏng. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, trong khi con số lợi nhuận năm 2022 là 25.568 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. HĐQT Techcombank cho biết, lĩnh vực bất động sản kém sôi động, giao dịch tiếp tục trầm lắng trong 2 tháng đầu năm 2023 dẫn tới rủi ro nợ xấu tiềm ẩn; hơn nữa, thanh khoản thị trường dù cải thiện nhưng lãi suất còn ở mức cao dẫn đến tín dụng và huy động đều tăng trưởng thấp; nhu cầu đối với thị trường trái phiếu tiếp tục ở mức thấp. Tại các ngân hàng khác, dù dự kiến kế hoạch lợi nhuận tăng nhưng biên độ cũng thấp hơn so với kết quả thực hiện của năm trước. Trong nhóm “big 4”, VietinBank dự kiến tổng tài sản sẽ tăng trưởng từ 5-10%, nợ xấu khống chế dưới 1,8%. Với nhóm ngân hàng thương mại, NamA Bank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 14,6%, thấp hơn mức 25,1% năm 2022. VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng 14,6%, thấp hơn mức 25,1% năm 2022. MB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15%, nhưng thấp hơn mức tăng 37,5% của năm trước. Một số ngân hàng như MSB, PG Bank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng dưới 10%. Công ty Chứng khoán MayBank (MBKE) dự báo các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng 13%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình là 33% trong năm 2022 và 32% trong năm 2021. Công ty Chứng khoán VNDirect cũng chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% trong năm 2023-2024, bởi năm nay, chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến tỷ suất lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng sẽ thu hẹp. Với những dự báo như trên, định hướng kinh doanh của các ngân hàng cũng đã đưa ra những kế hoạch về đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn, NCB cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính đồng thời tiếp tục đầu tư cho công nghệ để cải tiến quy trình, nâng cao năng suất lao động… MB thì cho biết ưu tiên tìm kiếm những không gian tăng trưởng mới, cơ hội hợp tác mới. HĐQT MB cho biết sẽ định hướng tiếp tục phát triển và kiện toàn Tập đoàn tài chính MB thông qua việc dự kiến liên doanh với đối tác có năng lực để chuyển đổi hình thức pháp lý MB Cambodia (từ ngân hàng 100% vốn của MB) thành ngân hàng liên doanh tại Campuchia. Tương tự, nhiều ngân hàng cũng nhấn mạnh đến định hướng đầu tư cho nền tảng công nghệ, mở rộng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, lấy thu nhập từ dịch vụ làm trọng tâm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch mở rộng mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch mới… |