Những “trái ngọt” từ nguồn vốn FDI Ngay trong tháng 1/2021, Khu công nghệ cao TPHCM liên tiếp đón nguồn vốn FDI khi Công ty Intel Products Việt Nam (Hoa Kỳ) nhận Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án, với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư cho dự án lên hơn 1,5 tỷ USD. Intel Products Việt Nam (IPV) là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất của Intel trên toàn thế giới. Tính đến cuối năm 2020, IPV đã mang hơn 2 tỷ sản phẩm đến tay khách hàng trên toàn thế giới. Theo ông Alan Danner, Giám đốc Tài chính của Intel Products Việt Nam, tính tới năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu lũy tiến của nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM - SHTP đạt trên 50 tỷ USD và tạo ra gần 7.000 việc làm trong đó gồm cả 2.700 nhân viên Intel. Với khoản đầu tư bổ sung 475 triệu USD này, IPV sẽ tiếp tục tập trung giải quyết những giới hạn trong đổi mới sáng tạo công nghệ và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên tài năng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng thu hút vốn FDI của Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì trong nhóm những địa phương đứng đầu toàn quốc. Tính đến cuối tháng 2/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư FDI trên 396 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 3.953 dự án FDI, với tổng vốn 35,8 tỷ USD. Đặc biệt, các dự án có vốn đầu tư FDI tại Bình Dương được chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Đến thời điểm này các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu. Riêng 2 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tổng vốn đầu tư đạt 165 triệu USD, chiếm 41,65% tổng vốn đăng ký. Đặc biệt, tại Đồng Nai, trong 13 ngày đầu năm 2021 đã thu hút được 11 dự án FDI, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Trong đó, có nhiều dự án vốn lớn, điển hình như dự án Hansol Electronics (Khu công nghiệp Hố Nai) với vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án nhà máy Công ty Ojitex (Khu công nghiệp Lộc An-Bình Sơn), vốn đầu tư 60 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua. Phát huy nguồn vốn từ các dự án hiệu quả Việc tăng nguồn vốn đầu tư FDI tại các địa phương hầu hết có điểm chung là của các doanh nghiệp đã có dự án sản xuất từ trước và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Điều này cho thấy, việc đầu tư đang hướng đến chất lượng. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp FDI tại khu vực phía Nam vẫn có sự phục hồi khá nhanh. Năm 2020, doanh thu của Công ty TNHH White Feathers Internationa tăng gấp đôi so với năm 2019. Ông Lim Chiew Seng, Giám đốc Công ty TNHH White Feathers Internationa cho biết, thời gian tới, công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong đó tập trung vào vận hành nhà xưởng mới, tăng tốc cho các đơn hàng phục vụ thị trường xuất khẩu. Ðể đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, công ty đã đầu tư tiếp một nhà xưởng ngay trong khuôn viên của công ty cũ. Việc đầu tư này sẽ giúp mở rộng dây chuyền sản xuất, mở rộng kho dự trữ nguyên liệu, đáp ứng kịp thời đà tăng trưởng. Hiện thị trường lớn của công ty là Mỹ và châu Âu. Tương tự, đại diện Công ty Gre Apha Electronic cho biết, doanh thu năm 2020 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong năm 2021, công ty mẹ đã quyết định chuyển khoảng 20% đơn hàng từ các nước sang nhà máy tại Bình Dương. Theo dự tính trong tương lai gần sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy sản xuất tại Bình Dương, đáp ứng nhu cầu di dời nhà máy của công ty mẹ ra nhiều quốc gia lân cận. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Việt Nam đang có nhiều lợi thế như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp để đón dòng vốn đầu tư. Hơn nữa, Việt Nam là số ít quốc gia thành công trong phòng chống Covid-19. Trong bối cảnh đó, các địa phương đã rất chủ động triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư. Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, hiện những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư tại Khu công nghệ cao TPHCM đã được hoàn thiện. Cụ thể, dự án được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm. Trong đó, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư. Riêng với tiền thuê đất, dự án được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định cho phép phù hợp với từng trường hợp… |