(CMO) Hậu quả của dịch tả heo châu Phi đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nước. Mối quan tâm ấy còn thể hiện nhiều nhất đối với người chăn nuôi, tiểu thương cũng như người tiêu dùng.Tại Cà Mau, từ giữa tháng 5/2019, khi nhiều tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL xuất hiện ổ dịch, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch đồng bộ, cụ thể. Theo đó, trước hết tỉnh lập hệ thống chốt chặn, kiểm soát phương tiện vận tải nhập tỉnh cũng như các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm vào tỉnh. Trên các tuyến kênh, lộ nông thôn, đường biển cũng được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nghiên cứu thành lập các đội, tổ chốt chặn và vận động Nhân dân cùng tham gia phản ánh khi phát hiện phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ thịt heo lưu thông trên địa bàn chưa qua kiểm dịch, kiểm tra của ngành chuyên môn.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả heo châu Phi của tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh nhiều đêm liền phải thức trắng để vừa kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các địa phương, vừa tham gia giám sát công tác vận chuyển, giết mổ. Nói như thế để thấy và thấu hiểu hết nỗi lo của lãnh đạo tỉnh nếu dịch xuất hiện diện rộng trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã xác nhận 4 địa phương có dịch tả heo châu Phi. Công tác kiểm tra, giám sát, cô lập và khống chế dịch càng được quan tâm thực hiện. Song song với công tác này, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải hết sức thận trọng, ngoài phòng, chống dịch trên địa bàn còn phải hoàn tất công tác kiểm đếm, thống kê số lượng đàn heo, hộ chăn nuôi heo. “Phải đảm bảo khi phát hiện dịch tả heo châu Phi của một hộ gia đình trên địa bàn thì địa phương đó phải rõ, xung quanh đó còn có những hộ chăn nuôi nào, bán kính bao xa, số lượng đàn heo,… Rõ tường tận như thế thì công tác khống chế dịch mới hiệu quả. Mặt khác, khi xảy ra dịch, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Do đó, ngay thời điểm này, nếu không đảm bảo việc thống kê, kiểm đếm chính xác thì sau này công tác hỗ trợ sẽ khó”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh. Thế nhưng, đến chiều ngày 9/6 vẫn còn 4 xã ở huyện Trần Văn Thời là Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng và thị trấn Sông Đốc thực hiện không nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo cụ thể, sát sao trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo Công văn hoả tốc số 4022/UBND-NNTN ngày 10/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, đến 19 giờ ngày 9/6 các xã này mới báo cáo. Nghĩa là báo cáo trễ 3 ngày so với công văn gia hạn lần 2 được ban hành trước đó của UBND tỉnh (theo công văn gia hạn lần 2, các địa phương phải báo cáo tình hình vào ngày 6/6). Việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời và Chủ tịch UBND các xã trên nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra các sự việc tương tự trong thời gian tới. Trong chuyến làm việc tại thị trấn Sông Đốc ngày 11/6, một lần nữa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải phân tích: "Nếu không kịp thời thống kê, rà soát thì chưa thể nói công tác tuyên truyền đã đến từng hộ dân chăn nuôi. Không nắm, không rà soát kỹ thì địa phương không thể khống chế hiệu quả được dịch lây lan". Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: “Trường hợp địa phương nào thống kê sót, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hộ nơi xảy ra dịch bệnh không có trong danh sách thống kê, thì chủ tịch UBND cấp huyện, xã có liên quan chịu trách nhiệm về kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”. Mong rằng với những chỉ đạo quyết tâm và cụ thể từ Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi, không còn địa phương nào phải giải trình sự lơ là tắc trách trước Chủ tịch UBND tỉnh./. Phong Phú
|