Theịtrườnghàngxaxỉlớnnhấtnăbảng xếp hạng 2 duco hãng tư vấn Bain & Company, doanh thu hàng hóa cá nhân cao cấp trên toàn thế giới, bao gồm quần áo, túi xách, đồng hồ và đồ trang sức, chỉ tăng trưởng từ 1 đến 2 % trong năm qua. So với con số 3% của 1 năm trước, và 7% cùng kỳ năm 2013, đây cũng là 1 trong những bằng chứng cho thấy kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2015 suy thoái và đầy biến động. Hãng Bain & Co. nhận xét: “Thách thức lớn nhất của các thương hiệu sang trọng hiện nay là phải có sự chuyển hướng sáng suốt giữa các thị trường, do sự biến động của tiền tệ và chuyển dịch của ngành công nghiệp du lịch.” Đồ phụ kiện lại một lần nữa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục các mặt hàng xa xỉ cá nhân, với 30% thị trường toàn cầu, đồng thời tăng ổn định ở mức 3%. Quần áo đứng thứ 2, chiếm 24% toàn thị trường với 2% tăng trưởng. Trong khi đó, đồng hồ sang trọng liên tục báo doanh số sụt giảm nặng nề và phải “vật lộn” với việc tồn kho quá nhiều ở châu Á – lục địa đông dân nhất hành tinh. Dưới đây là 10 quốc gia hoặc khu vực tiêu thụ hàng xa xỉ nhiều nhất trong năm 2015. 10- Hong Kong (xếp hạng 2014: 9) Hong Kong có dân số 7,23 triệu người, GDP bình quân đầu người là 56.428 USD. Hong Kong có tổng doanh số bán hàng sang trọng là 6,8 tỷ Euro (7,4 tỷ USD). So với hồi 2014, nếu tính bằng đồng Euro Hong Kong tăng trưởng âm 11%, nếu tính bằng đồng nội tệ HKD âm đến 25%. Tổng cộng, đặc khu này đã tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng năm nay. Hàng hiệu ở khu tự trị hành chính này rơi vào cảnh ế ẩm một phần do thất thu từ khách hàng Trung Quốc – vốn chiếm khoảng 10% số du khách và 25% doanh thu hàng hóa cao cấp trên toàn cầu. Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ nước này là nguyên nhân khiến người dân nơi đây không còn quá mặn mà với việc sang Hong Kong để sắm hàng hiệu. Ngoài ra, cuộc chiến chống tham nhũng lãng phí ngay tại đặc khu này, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của “chợ xám” (grey market) đã khiến hàng hiệu nơi đây gặp khó. 9- Trung Đông (xếp hạng 2014: 10) Trung Đông theo phân loại truyền thống gồm 18 quốc gia thuộc vùng Tây Nam Á và Ai Cập. Doanh thu hàng hóa cao cấp toàn thị trường này là 8,1 tỷ Euro (8,8 tỷ USD). So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số tính theo đồng Euro đã tăng 19%, nhưng tính theo bình quân đồng tiền địa phương thì hầu như không đổi. Tổng cộng khu vực này đã tăng 1 bậc trong bảng xếp hạng năm 2015. Các quốc gia có thu nhập bình quân GDP đầu người thuộc loại cao nhất thế giới ở vùng này như Qatar, UAE, Kuwait hay Saudi Arabia vốn luôn nổi tiếng về khả năng “chơi ngông” và thói vung tay mua sắm hàng xa xỉ. Năm qua, sự suy giảm của thị trường hàng hiệu tại 2 đặc khu hành chính của Trung Hoa là Hong Kong và Macau đã giúp Trung Đông tăng hạng. Khu vực này được dẫn đầu bởi Tiểu vương quốc Dubai thuộc UAE. Theo hãng Bain & Co., một mình doanh số bán hàng xa xỉ của thành phố này đã lên tới khoảng 3 tỷ Euro (3,26 tỷ USD). 8- Hàn Quốc (xếp hạng 2014: 8)
Năm 2015, tình hình kinh doanh hàng hóa cao cấp tại Hàn Quốc cũng gặp khá nhiều khó khăn. Kinh tế tăng trưởng chậm cùng nhiều chính sách hà khắc của Chính phủ Trung Hoa đại lục đã khiến cho du khách Trung Quốc không còn bạo chi như trước. Ngoài ra đại dịch virus MERS bùng phát đã khiến lượng khách du lịch nước ngoài sang quốc gia Đông Á giảm mạnh. Tuy vậy, doanh số tiêu thụ hàng xa xỉ tại đây vẫn duy trì mức tăng ổn định ở 4%. 7- Đức (xếp hạng 2014: 7)
Theo hãng Bain & Company, doanh số bán hàng xa xỉ ở Đức vẫn giữ được nhịp tăng khá tốt trong năm qua. 1 năm trước đó, họ cũng đã tăng được 10%. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, các thiết bị điện tử cao cấp được tiêu thụ vượt trội, trong khi các mặt hàng đồng hồ và trang sức không đạt được doanh thu như kỳ vọng. 6- Vương quốc Anh (xếp hạng 2014: 6)
Năm 2015, đồng tiền nội địa Bảng Anh vẫn rất mạnh chứ không bị suy yếu như đồng Euro, đã giúp thúc đẩy doanh thu hàng xa xỉ ở Vương quốc Tây Âu này. Riêng mình thủ đô London - một trong những trung tâm tài chính, tiền tệ lớn nhất của thế giới – đã đạt doanh số cực kỳ ấn tượng là 13 tỷ Euro (14,15 tỷ USD). Con số này tăng mạnh so với chỉ 1 năm trước đây là 10,1 tỷ Euro (11 tỷ USD). 5- Pháp (xếp hạng 2014: 4)
Cường quốc công nghiệp phát triển này năm qua chịu tác động của việc sụt giảm giá trị đồng Euro, cũng như 2 đợt tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Paris hồi tháng 1 và tháng 11 ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Dẫu vậy, Paris vẫn là 1 trong 3 thành phố đứng đầu về doanh số bán hàng xa xỉ, với 13 tỷ Euro. Năm 2014, con số này là 11,3 tỷ Euro (12,3 tỷ USD). 4- Italy (xếp hạng 2014: 3)
Theo hãng nghiên cứu Bain & Company, giống như nước Pháp việc đồng tiền chung Euro bị sụt giá đã khiến cho Italy tụt 1 bậc trên bảng xếp hạng năm 2015. Tuy vậy, cả thủ đô Milan và thành phố cổ kính Rome vẫn đứng vững trong top 15 thành phố có doanh số bán hàng cao cấp nhiều nhất. 3- Trung Quốc (xếp hạng 2014: 5)
Đồng Euro yếu đi trong 2015 khiến các cường quốc sử dụng nó như Italy và Pháp tụt 1 bậc, đồng nghĩa với việc Trung Hoa được hưởng lợi. Theo hãng nghiên cứu Bain & Co., dù đồng Nhân dân tệ mất giá, thực tế là giới nhà giàu Trung Quốc vẫn rất tích cực vung tay mua sắm hàng hóa siêu cao cấp ở nước ngoài. Cư dân quốc gia này chiếm tỷ lệ mua hàng xa xỉ lớn nhất toàn thế giới, với 31%. 2- Nhật Bản (xếp hạng 2014: 2)
Trước tình hình ảm đạm chung của kinh tế toàn cầu, cũng như việc đồng tiền Euro và Nhân dân tệ xuống giá, chi tiêu của người dân địa phương và khách du lịch Trung Quốc đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng cao cấp Nhật Bản. Tuy vậy, sức mua của cả nước Nhật vẫn xếp sau thành phố New York của Mỹ. 1- Hoa Kỳ (xếp hạng 2014: 1)
Năm 2015, nhu cầu mạnh mẽ từ trong nước, cộng với việc đồng USD giữ giá khiến Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu thị trường hàng xa xỉ thế giới. Theo hãng nghiên cứu Bain & Co., doanh thu từ cường quốc kinh tế này còn nhiều hơn so với 4 thị trường tiếp theo (Nhật, Trung Quốc, Italy và Pháp) cộng lại./. Ngọc Vũ (theo CNBC) |