(CMO) Ðối với nhiều gia đình có truyền thống cách mạng, kỷ vật thời chiến được xem là tài sản vô giá, chất chứa trong đó biết bao câu chuyện về một thời máu lửa. Song, với mong muốn để thế hệ đời sau hiểu được sự hy sinh gian khổ của bậc cha ông, nhiều gia đình đã không ngần ngại hiến tặng những kỷ vật có giá trị lịch sử cho Bảo tàng tỉnh để những hiện vật quý giá ấy sống mãi với thời gian.Trong buổi gặp gỡ cùng ông Thạch Nam Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh Cà Mau, một trong những người gắn bó nhiều năm với công việc sưu tầm, tìm kiếm những hiện vật thời chiến, chúng tôi được ông giới thiệu tham quan một số hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng. Thu hút chúng tôi từ cái nhìn đầu tiên là bộ bàn “chữ C” bằng gỗ gõ đỏ đã nhuốm màu thời gian. Qua tìm hiểu được biết, bộ bàn này Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng ngồi làm việc trong quá trình hoạt động cách mạng bí mật tại huyện Cái Nước, được gia đình bà Lê Thị Trâm hiến tặng lại cho Bảo tàng tỉnh. Từ thông tin đó, chúng tôi đã tìm đến chủ nhân của hiện vật trên ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, đây là một trong những gia đình có truyền thống cách mạng từ nhiều đời.
Tiếp chuyện cùng chúng tôi, ông Huỳnh Minh Tuấn (con trai bà Trâm) hiện là Bí thư Chi bộ ấp Tân Phú, cho biết: “Mẹ tôi đã qua đời từ lâu. Bên cạnh bộ bàn chữ C, gia đình tôi còn hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh 2 vật dụng khác là bộ ván ngựa và một chiếc quả đựng trà, tất cả vật dụng này Tổng Bí thư Lê Duẩn đều đã sử dụng qua trong thời gian ở nhà tôi”. Khi được hỏi đến những kỷ vật gia đình đã hiến tặng, người cựu binh U70 vẫn lâng lâng niềm tự hào khi chính nơi mình sinh ra và lớn lên đã từng nuôi dưỡng một nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước. Ông Tuấn kể: “Vào những năm 1955-1958, cố Tổng Bí thư đã bám trụ lại nhà tôi, được gia đình chở che, bao bọc để ông có thể bí mật hoạt động cách mạng. Cũng trong thời gian này, ông đã soạn thảo ra bản “Ðề cương cách mạng miền Nam”, đây cũng là bản đề cương tiền thân của Nghị quyết Trung ương 15 của Ðảng. Câu chuyện quý báu này gia đình tôi luôn ghi nhớ và hay kể lại cho con cháu nghe”. Sinh thời, cha mẹ ông Tuấn đều rất trân quý những vật dụng mang dấu ấn của cố Tổng Bí thư. Với mong muốn có nhiều người biết đến những câu chuyện về thời chiến, cũng như để việc bảo quản các kỷ vật được tốt hơn, gia đình đã thống nhất hiến tặng 3 kỷ vật cho Bảo tàng tỉnh.
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, từ trước đến nay đơn vị đã tiếp nhận trên dưới 500 hiện vật thời kháng chiến chống Pháp, khoảng 2.000 hiện vật thời kháng chiến chống Mỹ. Những hiện vật này được các cá nhân, gia đình đã từng chiến đấu, sinh sống trong kháng chiến trải dài khắp nơi trên địa bàn tỉnh hiến tặng lại. Các hiện vật bao gồm vũ khí, tư trang, vật dụng sinh hoạt của bộ đội ta, những chiến lợi phẩm thu giữ của địch. Theo ông Thạch Nam Phương, quá trình tiếp nhận các hiện vật sẽ được thực hiện theo từng bước như: xây dựng lý lịch, kiểm kê, xử lý nếu có hư hao và đưa vào kho bảo quản để kéo dài tuổi thọ của hiện vật. “Công tác sưu tầm hiện vật cho bảo tàng là công việc thầm lặng. Ða phần chúng tôi tìm kiếm những gia đình, những cá nhân có hiện vật phù hợp với loại hình bảo tàng của mình để tiến hành vận động, hiến tặng. Bảo tàng tỉnh Cà Mau mang tính chất là bảo tàng tổng hợp mang hơi thở của địa phương, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của nhiều thế hệ, nếp sống của cư dân Cà Mau. Hàng năm, chúng tôi lập nên các bộ sưu tập chuyên đề để phù hợp với tính chất của bảo tàng, như chuyên đề kỷ vật thời chiến, chuyên đề về đánh bắt thuỷ hải sản, nông ngư cụ trong sản xuất nông nghiệp”, ông Phương thông tin. Việc hiến tặng kỷ vật cho Bảo tàng tỉnh là nghĩa cử cao đẹp, không chỉ góp phần làm phong phú thêm số lượng hiện vật, tài liệu của bảo tàng phục vụ cho công tác tham quan, nghiên cứu, mà thông qua những hiện vật được hiến tặng, những câu chuyện thời chiến được tái hiện một cách chân thực hơn, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lòng biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu cho hoà bình độc lập./.
Hữu Nghĩa
|