Chủ động
Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) có thể coi là một trong những DN đi đầu trong việc cải tiến, đổi mới sản xuất với việc áp dụng khoa học kỹ thật cao trong sản xuất, hơn nữa, DN này còn rất tích cực áp dụng các phương thức quản trị DN hiện đại như 5S, Kaizen, Lean Six Sigma… Ông Trần Trung Tưởng, Phó Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông cho biết, DN nào cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu, thứ nhất là chất lượng sản phẩm luôn được người tiêu dùng đón nhận, thứ hai là giá cả phải cạnh tranh, thứ ba là kiểu dáng mẫu mã phải phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Vì thế, DN bắt buộc phải áp dụng cải tiến năng suất liên tục. Tiêu biểu như sản phẩm đèn led của Rạng Đông là sản phẩm phải thay đổi liên tục, nếu không áp dụng thường xuyên các công cụ sẽ thua trên thương trường.
Cũng áp dụng các biện pháp tương tự, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đã thu nhận được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, DN này đã thành lập nhóm cải tiến, huấn luyện đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên về các phương pháp cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng như Kaizen, 5S… Nhờ đó, môi trường làm việc tại công ty đã trở nên sạch sẽ, ngăn nắp, số lượng sáng kiến trong kinh doanh của người lao động tăng tới 50%. Hơn nữa, do là DN sản xuất công nghiệp với nhiều máy móc thiết bị, nhưng với việc áp dụng các phương pháp sản xuất thông minh, hiện đại, trong thời gian gần đây, số lượng tai nạn lao động trong sản xuất hầu như không còn.
Ngoài ra, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp quản trị mới trong sản xuất, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tới gần, các DN cũng phải cố gắng chủ động để đón đầu xu hướng. Ông Trần Trung Tưởng cho hay, từ năm 2011, Rạng Đông đã thành lập trung tâm RD chuyên nghiên cứu về thiết bị chiếu sáng và nguồn sáng, với sự cộng tác của nhiều chuyên gia trong ngành cùng các viện, trường đại học trong nước; ngoài ra, trung tâm còn kết nối với các viện nghiên cứu quốc tế để nhận chuyển giao công nghệ, tư vấn, hỗ trợ. Vì thế, các trang thiết bị của DN luôn được NK từ các nước phát triển, trong tương lai, Rạng Đông cũng đã định hình được phương thức công nghệ 4.0, DN đang thiết lập dự án sản xuất không có người.
Nhận xét về tình hình đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất của DN, theo bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của DN nên việc cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất đã có nhiều chuyển biến. Nhưng đây mới là bước đầu và là cả một hành trình nên các DN cần chủ động và nỗ lực hơn nữa.
Thay đổi nhận thức
Một trong những nguyên nhân được các DN áp dụng thành công phương pháp thúc đẩy cải tiến DN là do đã nhận được sự đồng thuận từ nhân viên tới các cấp lãnh đạo. Các phương pháp này không chỉ là công cụ cho DN mà đã trở thành triết lý, phương châm để các DN cùng thực hiện.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Trung Tưởng cho hay, có 3 tiêu chí DN cần khi áp dụng các phương thức cải tiến sản xuất. Đầu tiên là cam kết của tập thể lãnh đạo, phải mạnh mẽ, thực sự quyết tâm. Thứ hai là phải đồng thuận từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên; bởi vẫn còn nhận thức rằng trước đây DN không áp dụng mà vẫn làm tốt, hoặc vị trí, cơ sở không cần áp dụng theo Lean hay Kaizen. Cuối cùng là phải chọn giải pháp như thế nào để trở thành nhu cầu thực sự của từng người, từng bộ phận.
Đồng quan điểm, nói thêm về các nguyên nhân để nhiều DN áp dụng các phương pháp cải tiến sản xuất không hiệu quả, bà Vũ Hồng Dân cho rằng, hiện tại không thể nói là DN không quan tâm, họ có quan tâm đến cải tiến, thậm chí, đây là mối trăn trở của nhiều DN. Nhưng việc cải tiến phải xây dựng để trở thành văn hóa DN, phải truyền tải sâu rộng đến người lao động, để mỗi người mỗi khâu thực hiện như một thói quen. Bên cạnh đó là rào cản tâm lý ngại thay đổi, nhất là những DN đã làm hàng chục năm.
Đặc biệt, các DN và chuyên gia còn bày tỏ lo ngại về rào cản từ phương pháp. Bởi hiện nay, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất có rất nhiều phương pháp, nếu DN tiếp cận sai sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo bà Dân, cải tiến làm sao phải mang tính hệ thống, nhiều DN hăm hở làm nhưng không tìm được phương pháp thì thành “đầu voi đuôi chuột” hoặc mang tính hình thức.
Có thể thấy, trên thế giới đang có rất nhiều phương pháp hiện đại để các DN có thể học hỏi và áp dụng. Đây là lợi thế của những nước “đi tắt - đón đầu” như Việt Nam. Vì thế, DN Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội, phải tìm ra được phương thức phù hợp cùng sự sáng tạo của chính bản thân để vươn lên trên con đường hội nhập.